Mạnh tay xử lý nạn đổ phế thải lấn sông Hồng

Từ 25/5, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ huy động lực lượng "mạnh tay" xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm lấn đê sông Hồng.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội quyết định, từ ngày 25/5 đến 25/7/2011, sẽ xử lý mạnh đối với các vi phạm lấn chiếm đê sông Hồng.

Theo đó, các lực lượng công an, thanh tra xây dựng, các cơ quan chức năng của quận, huyện và xã, phường sẽ phối hợp tham gia xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm.

Toàn bộ các vi phạm làm nhà kiên cố, nhà cấp 4, công trình phụ, lều quán, đào xẻ đê, làm dốc lên đê, chứa chất vật liệu… trên mặt đê, mái đê, cơ đê trong phạm vi 5m tính từ chân đê, trong hành lang bảo vệ đê điều và hành lang thoát lũ.

Thời gian gần đây, lợi dụng sông Hồng mùa nước cạn, những hộ dân hai bên bờ sông thi nhau đổ phế thải, lấn chiếm bờ sông làm nhà. Hàng chục nghìn mét vuông đất bãi bị lấn chiếm và trục lợi, lòng sông thì bị "bóp nghẹt" và ngày càng ô nhiễm.

Thực trạng này cũng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thoát lũ, chống lũ của hệ thống đê sông Hồng.

Với cách xử lý thiếu kiên quyết của chính quyền địa phương kiểu "phạt cho tồn tại" như hiện nay sẽ không thể giải quyết dứt điểm nạn này. Ngoài ra, phân định mốc giới lòng sông, hành lang thoát lũ chưa rõ ràng cũng là nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm càng nghiêm trọng và khó xử lý.

Đi dọc bên bờ tả, hữu sông Hồng qua các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên, Hoàng Mai là hình ảnh hàng trăm ngôi nhà xây dựng ngay mép sông và hàng trăm trường hợp khác đang đổ phế thải, vật liệu xây dựng lấn chiếm lòng sông, như bức tranh nhôm nham, thách thức pháp luật.

Người dân đã tận dụng gần như toàn bộ chất thải của khu vực nội thành để phục vụ mục đích lấn chiếm, "nhảy dù" xuống lòng sông Hồng. Thậm chí, nhiều trường hợp vi phạm rất bài bản, áp dụng "kỹ thuật" lấn chiếm lòng sông thành thục, tinh vi như quây tường bao bằng những bao tải cát, đóng cọc tre, kè đá...

Vi phạm nghiêm trọng nhất là đoạn từ cầu Chương Dương đến cầu Vĩnh Tuy. Dọc hành lang sông, hàng trăm ngôi nhà kiên cố mọc lên san sát, phần tiếp giáp với lòng sông là những đống phế thải xây dựng cao chất ngất đang lấn dần ra lòng sông, đổ đến đâu, cây cối, nhà tạm "mọc" đến đó.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội Đỗ Đức Thịnh khẳng định, tình trạng đổ phế thải lấn chiếm lòng sông đang diễn ra phức tạp ở các quận Long Biên, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm. Nhiều vụ hết sức nghiêm trọng như đào ao, xây dựng kè đá không phép tại bãi bồi sông Hồng thuộc phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm và xây dựng, cải tạo lều lán thành nhà ở ngoài bãi sông thuộc tuyến thoát lũ tại một số phường quận Tây Hồ.../.

Cẩm Thơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục