Xây dựng cơ chế đặc thù cho hạ tầng giao thông

Thủ tướng giao Bộ Tài chính cùng UBND TP.HCM lập cơ chế tài chính đặc thù trình Chính phủ ban hành để triển khai hiệu quả các dự án.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Chính phủ sẽ bảo lãnh vốn vay nhưng dự án phải hiệu quả và giao cho Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng cơ chế tài chính đặc thù trình Chính phủ ban hành để triển khai có hiệu quả các dự án.

Kết luận buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong việc triển khai các dự án đầu tư lớn, chống ùn tắc giao thông và ngập nước trên địa bàn thành phố, ngày 15/3, Thủ tướng đồng ý với các kiến nghị của các bộ, ngành trong việc huy động nguồn vốn đầu tư và chỉ đạo tiếp tục tạo cơ chế thông thoáng để huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư hạ tầng trên địa bàn thành phố.

Để tiếp tục làm tốt vai trò “đầu tầu” tăng trưởng, trung tâm văn hóa và đầu cầu hội nhập phát triển của đất nước, Thủ tướng đề nghị thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ kinh tế-xã hội đã đề ra trong năm 2010 như GDP tăng trên 10%, xuất khẩu tăng 12,7%, huy động lớn các nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng… góp phần cùng cả nước hoàn thành kế hoạch năm 2010 cũng như kế hoạch 5 năm 2006-2010 mà Đại hội Đảng X đã đề ra.

Đồng thời, thành phố cần chuẩn bị kế hoạch 5 năm 2011-2015 với yêu cầu là chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp.

Về nhiệm vụ trọng tâm của năm 2010, Thủ tướng lưu ý lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cần kiểm soát tốt giá cả, góp phần cùng cả nước không để lạm phát cao quay trở lại, đảm bảo tăng trưởng 11%, tập trung chỉ đạo đảm bảo an ninh trật tự và kiềm chế ùn tắc giao thông.

Thủ tướng nêu rõ, thành phố cần phải giải quyết rất nhiều việc, trong đó tập trung ở ba lĩnh vực chính là cải cách thể chế trong đó trọng tâm là cải cách hành chính; giáo dục - trọng tâm là đào tạo nghề và phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội là giao thông.

Riêng về chống ùn tắc giao thông, Thủ tướng gợi ý, thành phố phải rà soát lại qui hoạch, tập trung chỉ đạo đảm bảo tiến độ các dự án đang triển khai và dành một nguồn lực để chuẩn bị đầu tư như thuê tư vấn, lập dự án; đồng thời làm tốt công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án đang xây dựng và xây dựng kế hoạch cho các dự án đang chuẩn bị đầu tư.

Thành phố cũng cần tập trung xây dựng và hoàn thiện các qui định quản lý đô thị, trong đó xây dựng hệ thống giao thông động và tĩnh, bến xe, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm…Đối với các dự án giải phóng mặt bằng thành phố phải chủ động lo chỗ ở cho dân gắn với giải quyết việc làm, trong đó giành một phần từ quĩ đấu giá sử dụng đất để đầu tư, Thủ tướng chỉ đạo.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đồng ý cho phép thành phố xây dựng bộ máy tương xứng với thành phố 10 triệu dân như thành lập ban chỉ đạo, sở, ngành… phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu đề ra. Dứt khoát đến năm 2013, TP.HCM phải giải quyết căn bản tình trạng ngập úng.

Giáp đáp các kiến nghị của thành phố, Thủ tướng đã cho ý kiến về bố trí nguồn vốn Trung ương cho một số dự án đầu tư trên địa bàn thành phố như đường cao tốc Bến Lức-Long Thành, dự án xây dựng vành đai 3, dự án đường trên cao, tuyến đường sắt đô thị số 5 (Metro 5) cũng như cơ chế tạo nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và chống ngập trên địa bàn thành phố.

Thường trực Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành đều phát biểu đánh giá cao nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2009 và 2 tháng của năm nay trong việc triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội.

Đặc biệt là trong năm qua, thành phố đã triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư hạ tầng đô thị mà nổi bật là hạ tầng giao thông, như lập xong quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, triển khai 12 dự án có qui mô lớn như dự án Đại lộ Đông-Tây, đường trục Bắc-Nam, dự án trên đường vành đai 2, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, dự án cải thiện môi trường nước thành phố./.

Thiện Thuật (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục