Lo ngại chất lượng giáo dục học sinh phổ thông

Tỷ lệ học sinh trung học phổ thông có học lực trung bình trở xuống trong học kỳ I năm học 2009-2010 của tỉnh Bắc Kạn là 91,3%.
Tỷ lệ học sinh trung học phổ thông có học lực trung bình trở xuống trong học kỳ I năm học 2009-2010 của tỉnh Bắc Kạn là 91,3%, trong đó có gần 50,7% học sinh có học lực yếu, trên 33,2% học lực trung bình và số học em học lực kém chiếm gần 7,5%.

Với tỷ lệ này, Bắc Kạn là tỉnh “dẫn đầu” về tỷ lệ học sinh trung học phổ thông học lực yếu và kém của của khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc.

Tại các tỉnh khác, tình hình cũng khá ảm đạm. Tỷ lệ học sinh trung học phổ thông có học lực trung bình trở xuống của Hà Giang là 89%, của Tuyên Quang là trên 85%, Lạng Sơn là gần 82%.

Đây là những số liệu được đưa ra trong báo cáo của các tỉnh tại Hội nghị giao ban các sở giáo dục và đào tạo vùng 1 (gồm các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc) vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Lào Cai.

Tiểu học là cấp học thấp nhất có tính điểm, yêu cầu kiến thức không cao nhưng tỷ lệ học sinh khá giỏi ở các tỉnh tương đối thấp. Tại Hà Giang với tỷ lệ học sinh tiểu học có học lực trung bình trở xuống ở môn Tiếng Việt là 63,3% và môn Toán là 59%. Tỷ lệ này ở các tỉnh Lai Châu, Điện Biên cũng ở mức trên 50%.

Trước những con số đáng buồn, bà Trần Thị Thắm, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học lo ngại nếu không nâng chất lượng của bậc học này thì chất lượng của các bậc học sau không thể cao.

Lo lắng này của bà Thắm được thể hiện khá rõ trong bảng thống kê chất lượng giáo dục của các tỉnh khu vực này ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông khi tỷ lệ học sinh có học lực trung bình trở xuống của các tỉnh “tăng dần đều” qua các cấp học.

Cụ thể, tại Hà Giang, tỷ lệ này ở bậc tiểu học là trên 60%, lên trung học cơ sở là 87% và trung học phổ thông là 89%. Các con số tương ứng của tỉnh Điện Biên là từ 51% lên 75,7% và trên 84%.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh "chúng ta tiến tới phổ cập giáo dục nhưng phải làm chắc và làm có chất lượng. Nếu vì số lượng học sinh đi học đông mà đưa cả học sinh kém vào trung học phổ thông thì chất lượng rất đáng báo động."

Ông Hiển cho biết Bộ sẽ xem xét lại lộ trình phổ cập trung học phổ thông và có hướng phân luồng hợp lý hơn trong thời gian tới./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục