"ASEAN cần hướng tới thị trường tiêu dùng nội địa"

Tổng Thư ký ASEAN nhấn mạnh rằng các nền kinh tế khu vực cần hướng tới thị trường tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại nội khối.
Phát biểu tại cuộc hội thảo ở thủ đô Bangkok của Thái Lan mới đây, Tổng Thư ký Hiệp hội ASEAN Surin Pitsuwan đã nhấn mạnh rằng các nền kinh tế khu vực cần nhanh chóng chuyển từ dựa vào xuất khẩu sang hướng tới thị trường tiêu dùng nội địa, đồng thời thúc đẩy hơn nữa thương mại nội khối.

Tổng Thư ký Surin cho biết buôn bán nội khối hiện chỉ chiếm 26% tổng giá trị giao dịch thương mại của các nước ASEAN, so với mức tương ứng 48% trên thị trường các nước tham gia Hiệp định về khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và khoảng 60% của thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Theo ông Surin, với việc châu Á đang là tâm điểm chú ý về đầu tư và công nghiệp chế tạo, các nước trong khu vực tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thương mại quốc tế thuộc trường đại học University of Thai Chamber of Commerce, ông Aat Pisanwanich cho rằng việc mở cửa thị trường khu vực sẽ mang đến cơ hội tốt mà không doanh nghiệp vừa và nhỏ nào bỏ qua nếu không muốn bị thua thiệt nhiều nhất.

ASEAN là thị trường cần được các doanh nghiệp quan tâm vì có tổng dân số gần 600 triệu người tiêu dùng (chiếm 10% tổng dân số thế giới) và tổng GDP trị giá trên 1.100 tỷ USD.

Nếu tính thêm cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, và nếu chào đón thêm Ấn Độ, Australia và New Zealand, ASEAN+6 sẽ chiếm gần 50% tổng dân số thế giới và 22% tổng GDP của thế giới, tức vào khoảng 12.200 tỷ USD.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 12/7 đã lên tiếng cảnh báo các quốc gia châu Á cần chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với những mối đe dọa đối với sự phục hồi kinh tế thế giới.

Phát biểu tại một hội nghị ở thành phố Daejeon của Hàn Quốc, Tổng Giám đốc IMF Dominique Strauss Kahn kêu gọi giới tài chính châu Á đề cao cảnh giác trước nguy cơ xảy ra các "rủi ro về kinh tế" trên thế giới.

Về rủi ro kinh tế, ông Kahn cho rằng nợ công chồng chất trong EU, đà phục hồi còn chậm tại Mỹ, nguy cơ trong lĩnh vực tiền tệ xuất hiện khi mà nhiều quốc gia mới nổi nắm giữ quá nhiều ngoại tệ như đồng USD hay euro. IMF cho rằng các yếu tố trên có thể gây phương hại đến đà phục hồi của châu Á.

Do vậy, IMF khuyến khích các quốc gia châu lục này tăng cường đầu tư và tiêu thụ nội địa để thúc đẩy tăng trưởng, trong trường hợp xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu gặp trở ngại. Tuy nhiên, ông Kahn nhận định kinh tế toàn cầu ít có khả năng rơi vào suy thoái thêm một lần nữa, rằng sự phục hồi kinh tế thế giới đang diễn ra đúng hướng.

Trước đó, ngày 8/7, IMF dự báo tăng trưởng của châu Á trong năm nay đạt 7,5%, cao hơn 3% so với nhịp độ tăng trưởng trung bình của thế giới. Theo ông Kahn, do có qui mô kinh tế ngày càng lớn, châu Á sẽ trở thành đầu tàu kéo nền kinh tế thế giới đi lên.

Ông cũng đánh giá cao vai trò của châu Á như một "nhà máy điện kinh tế toàn cầu" sau cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính thế giới, đồng thời cho rằng châu Á sẽ có tiếng nói lớn hơn trong IMF./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục