Ăn kiểu Âu, nhân loại phải cần tới 3 Trái đất

Thông điệp mà tờ La Repubblica đưa ra gần đây là nếu người châu Á, châu Phi cũng học đòi kiểu ăn như người Âu thì chúng ta cần tới 3 Trái đất.
Thông điệp mà tờ La Repubblica (Italy) đưa ra gần đây là nếu người châu Á, châu Phi cũng học đòi kiểu ăn như người Âu thì chúng ta cần tới 3 Trái đất.

Lỗi tại người Âu?

Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), hiện tại chỉ có 11% bề mặt trái đất được sử dụng để sản xuất lương thực - thực phẩm. Trong số 6,7 tỷ dân trên thế giới thì có tới 923 triệu người bị đói.

Tờ La Repubblica cho biết nguyên nhân của nạn đói trên thế giới thật đa dạng, trong đó có sự hoang hóa đất đai tại châu Phi, sự thiếu nước ở châu Á, châu Mỹ... Nhưng có một nguyên nhân quan trọng nữa là cách ăn uống hoang phí của người Âu. Họ dùng nhiều thịt, bơ, sữa, cá, tôm - những sản phẩm của ngành chăn nuôi và đánh bắt.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, việc sản xuất chất đạm động vật cần nhiều đất đai hơn hẳn so với trồng ngũ cốc để làm ra một lượng calorie tương đương. Hơn nữa bò, lợn, gà cũng ngốn một lượng lương thực đáng kể lẽ ra dành để nuôi người. Phần lớn các loại hải sản ở biển sẽ cạn kiệt sau 40 năm nữa theo đà đánh bắt hiện nay.

Tại các nước giàu ở châu Âu, việc ăn uống đã được nâng tầm lên thành một dạng “sùng bái”. Nhiều người ăn quá mức cần thiết cho cơ thể, một số thậm chí còn biến đặc sản thành món ăn thường ngày. Ăn nhiều dễ dẫn đến béo phì. Trong khi ở châu Á, châu Phi có nhiều người chết đói thì tính trên toàn thế giới, con số người bị béo phì hiện vào khoảng 300 triệu.

Mỹ không còn “độc quyền” trong lĩnh vực này. Anh dẫn đầu các nước châu Âu với tỷ lệ béo phì ở người lớn là 23%. Số trẻ em thừa cân ở châu Âu là 14 triệu và hệ quả sẽ có một lứa thanh niên béo phì sau 10 - 15 năm nữa. Chẳng hạn, ở Bồ Đào Nha vào năm 2025, tỷ lệ béo phì có thể sẽ ở mức 50% dân số. Còn tại Đức hiện đã có loại xe cứu thương giá 140.000 euro dành cho những bệnh nhân “siêu trọng”.

Đại diện Ngân hàng Thế giới từng cảnh báo rằng nếu các nước giàu buông xuôi thì đến năm 2017, tình trạng đói ăn sẽ làm bùng nổ những cuộc chiến tranh để chiếm đoạt nguồn lương thực - thực phẩm. Ngay trong năm nay sẽ có 46 triệu người trên thế giới sống dưới mức nghèo khổ do khủng hoảng kinh tế gây ra. Thêm vào đó là việc dân số tăng nhanh. Theo dự báo của tổ chức Population Reference Bureau, đến năm 2011, Trái đất sẽ có 7 tỷ người.

Tiết kiệm để không cần thêm 2 Trái đất

Báo cáo của FAO và Viện Quản lý các nguồn nước quốc tế (IWMI) cũng cho biết, nếu không áp dụng những biện pháp khẩn cấp thì sau 40 năm nữa, châu Á không biết lấy gì để nuôi số dân tăng thêm 1,5 tỷ người. Châu lục này sẽ phải nhập tới 3/4 nhu cầu lương thực - thực phẩm.

Các chuyên gia nông nghiệp tính toán rằng trong trường hợp người Âu ăn ít đi và thay đổi khẩu phần hàng ngày, họ có thể nuôi được hết thảy mọi người trên hành tinh chúng ta.

Nếu biết tiết kiệm thì nhân loại có thể tự xoay xở chỉ với 1 Trái đất chứ không cần tới 3. Thủ tướng Anh Gordon Brown đã lên tiếng kêu gọi người dân tiết kiệm lương thực - thực phẩm. Một cuộc điều tra của chính phủ Anh cho thấy hàng năm nước này lãng phí 4 triệu tấn lương thực. Trung bình mỗi gia đình Anh vứt qua cửa sổ 420 bảng/năm vì mua quá nhiều thức ăn.

Dân Mỹ mỗi năm đổ đi khoảng 48 tỉ kg thực phẩm ăn thừa. Để giáo dục tinh thần tiết kiệm lương thực - thực phẩm, gần đây Trường Tiểu học Vendon ở bang Maryland đã phát động một chương trình ngoại khóa kéo dài 3 ngày có tên là khóa học “xin ăn”. Suất ăn của những “người cơ nhỡ” về lượng đều không đủ no, về chất cũng vậy, với bánh mỳ (làm bằng bột rẻ tiền), khoai tây nghiền kèm hai miếng thịt mỡ loại hạng bét ngoài chợ.

Sinh hoạt “xin ăn” kéo dài ba ngày ấy thật sự không dễ chịu đối với các em học sinh. Có em kêu mệt mỏi, nhức đầu, hoa mắt, tư tưởng không tập trung nhưng điều đó cũng giúp chúng hiểu ra thế nào là đói ăn, khát uống...

Mỗi năm các cơ sở dịch vụ ăn uống ở Nhật Bản đổ vào thùng rác 3,05 triệu tấn thức ăn thừa của khách. Nếu cộng cả lượng thực phẩm bị bỏ phí ở các cơ sở chế biến và chuỗi cửa hàng phân phối thì nước này chỉ trong một năm đã đổ đi 11,34 triệu tấn thức ăn.

Trong khi đó Nhật phải nhập khẩu 60% lượng lương thực - thực phẩm. Người Nhật vốn sĩ diện nhưng giờ đây họ cũng học thói quen tiết kiệm của người Mỹ khi đi nhà hàng. Ăn không hết, họ cho vào hộp mang về nhà, dẹp qua một bên cảm giác ngượng ngùng.

Ngoài ra, các chuyên gia còn khuyên người dân tại những quốc gia đang phát triển ở châu Á, châu Mỹ đừng bắt chước người Âu dùng quá nhiều sữa, thịt.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy mấy năm gần đây, ngày càng có nhiều người Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil... từ bỏ truyền thống dùng nhiều chất bột và rau quả để chuyển sang chế độ ăn uống như ở các nước giàu./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục