Quả bóng Vàng Việt Nam 2010: Những xu hướng mới

Thành Lương giành Quả bóng Vàng trong một năm mà những người bầu chọn có thể bỏ phiếu cho ai cũng được cho thấy những xu hướng.
Thành Lương giành Quả bóng Vàng trong một năm mà những người bầu chọn có thể bỏ phiếu cho ai cũng được và thậm chí là không bỏ phiếu cho ai cũng không phải là hành động vô trách nhiệm. Nhưng cuộc bầu chọn ấy vẫn cho thấy những xu hướng.

Thành tích câu lạc bộ bằng không

Bốn bàn thắng của Thành Lương ghi ở Hà Nội-ACB mùa bóng 2009 không phải là con số 0 tròn trịa, nhưng đội bóng của cầu thủ này thì không đáng để tính. Hà Nội-ACB ở mùa 2009 chỉ đá ở giải hạng Nhất, và cũng không làm nổi bất cứ trò trống gì ngoài việc giành đủ điểm trụ hạng.

Cũng không phải năm nay mới có xu hướng đó. Hồng Sơn trong năm 2008 chỉ là một cầu thủ chơi ở giải hạng Nhất. Nhưng dù sao thì Hồng Sơn vẫn còn đứng trong đội hình của một câu lạc bộ giành quyền lên hạng và thực sự có bóng dáng đằng sau thành công ấy.

Và trong quá khứ, cũng rất nhiều lần, các cầu thủ giành Quả bóng Vàng là những người chơi khá mờ nhạt ở giải Vô địch quốc gia, và cuộc bầu chọn danh hiệu này thực chất chỉ là một “biến tướng về tên gọi” của cuộc bầu chọn cầu thủ xuất sắc nhất ở các giải đấu lớn trong năm mà các đội tuyển quốc gia tham dự, thường là SEA Games hoặc AFF Cup.

Vì vậy, việc Thành Lương giành Quả bóng Vàng là đẩy cao lên một tầm xu hướng bầu Quả bóng Vàng Việt Nam không cần thành tích ở câu lạc bộ, trong khi ai cũng biết như thế là chúng ta đang một mình một lối so với thế giới.


Đội tuyển cũng chỉ là thứ yếu?

Phải tranh luận một điều là Thành Lương chưa chắc đã là cầu thủ xuất sắc nhất ở SEA Games, sân đấu được chú ý nhiều nhất của Bóng đá Việt Nam, dù đúng là huấn luyện viên Calisto kỳ vọng ở Thành Lương rất nhiều (trao băng đội trưởng).

Số bàn thắng ít (1, vào lưới Timor-Leste) và tầm ảnh hưởng cũng hạn chế, Lương chỉ chơi tốt trong trận duy nhất, bán kết với Singapore, và đó lại là buổi chiều mà ai ở U23 Việt Nam cũng tỏa sáng. Những người chơi tốt nhất ở SEA Games 2009 phải là Tiến Thành, Tấn Trường, Long Giang.

Ở mặt trận đội tuyển quốc gia với vòng loại Asian Cup, Thành Lương cũng không phải là cánh chim đầu đàn trong một tập thể hầu như không có ai chơi xuất sắc. Vậy thì bầu cho Thành Lương ở những điểm nào? Đạo đức, triển vọng và cả sự dễ thương là ăn điểm.

Nhưng khi số đông vẫn bầu chọn cho Thành Lương tức là chiến thắng của cá nhân tiền đạo năm nay mới 22 tuổi này cũng có những ý nghĩa nhất định.

Có thể ví Thành Lương và Hà Nội-ACB giống như một bông hoa sen và cái ao bùn, khi mà sự miễn nhiễm về các căn bệnh tiêu cực vây quanh và sự vươn lên để trở thành cầu thủ duy nhất của Hà Nội-ACB được góp mặt ở đội tuyển trong suốt năm năm qua cũng là một sự phi thường.

Khát vọng chơi bóng và muốn đươc thể hiện khả năng của Lương biến cầu thủ nhỏ con này giống như một chiến binh, một hình ảnh mà đôi khi, người hâm mộ Việt Nam nếu không được thỏa mãn về thành tích, lối chơi, cũng sẽ lấy đó làm thứ an ủi.

Và cả khi văn hóa ứng xử của các cầu thủ vẫn có những chỗ và có những người phải điều chỉnh, thì Thành Lương đã là một thứ của hiếm, tạo nên một hình ảnh rất dễ chịu khi giao tiếp với giới truyền thông hoặc người hâm mộ bởi nó không có sự giả tạo hay diễn kịch như một số cầu thủ khác.

Dĩ nhiên là những yếu tố trên chẳng ăn nhập mấy so với tiêu chí bầu chọn mà người ta cho rằng nó đáng ra phải có. Nhưng khi một giải thưởng của năm 2009 phải chờ tới giữa năm 2010 như thể gượng gạo cần phải tổ chức, và thông lệ của bóng đá Việt Nam là cứ năm nào các đội tuyển thất bại thì các cuộc bầu chọn ăn theo cũng sẽ bị ảnh hưởng, thì điều đó không phải là vấn đề lớn.

Bầu cho Thành Lương là bầu cho tương lai và cũng là thể hiện cả niềm tin rồi mai này anh sẽ thực sự xứng đáng với danh hiệu ấy và cũng được xếp ngang với tiền bối, những người đã từng giành Quả bóng Vàng như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Hoàng Bửu./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục