Thừa Thiên-Huế đầu tư 16.000 tỷ đồng cho đô thị

Thừa Thiên-Huế đầu tư 16.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng đô thị giai đoạn 2011-2015, phấn đấu thành đô thị loại 1 trước năm 2014.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế đầu tư 16.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng đô thị giai đoạn 2011-2015, trong đó chú trọng các tiêu chuẩn hệ thống công trình hạ tầng đô thị và tiêu chuẩn kiến trúc cảnh quan đô thị, phấn đấu đạt tiêu chuẩn của đô thị loại I - thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2014.

Định hướng phát triển đô thị Thừa Thiên-Huế giai đoạn 2011-2015 và có tính đến năm 2020 là "đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường."

Tỉnh phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2014 và đến năm 2020, Thừa Thiên-Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học-công nghệ, y tế, giáo dục đào tạo lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á và quốc tế.

Trong đầu tư xây dựng, tỉnh tập trung vào khu vực đô thị trung tâm, đặc biệt là khu vực thành phố Huế hiện nay và vùng phụ cận như Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An, Bình Điền và đô thị vệ tinh độc lập Chân Mây-Lăng Cô.

Tỉnh đẩy mạnh tiến độ đầu tư hệ thống giao thông làm động lực thúc đẩy phát triển nhanh mọi mặt kinh tế-xã hội như Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài, đường cao tốc đoạn La Sơn-Túy Loan; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A các đoạn Huế-Phong Điền, La Sơn-Lăng Cô; các tuyến Quốc lộ 49A, Quốc lộ 49B...

Thừa Thiên-Huế cũng đầu tư hệ thống giao thông quan trọng khác trong khu vực đô thị trung tâm, giữa khu vực đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh độc lập, phụ thuộc và vùng kinh tế động lực.

Trước năm 2014, hệ thống hạ tầng kỹ thuật nội thị cho khu vực thành phố Huế phải được nâng cấp toàn diện, nhất là hệ thống cầu và việc chỉnh trang nạo vét các sông, hồ...; cải tạo, nâng cấp các điểm xanh công viên; xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng một số khu tái định cư phục vụ giải tỏa phát triển kinh tế xã hội; xây dựng hoàn chỉnh các tuyến giao thông trong khu đô thị mới An Vân Dương kết nối với trung tâm thành phố Huế.

Các đô thị vệ tinh như Hương Thủy, Hương Trà, Thuận An, Bình Điền tiếp tục triển khai các công trình đã và đang được đầu tư; chuẩn bị đầu tư một số tuyến giao thông và hạ tầng kỹ thuật thiết yếu (đường nội thị trục chính; các khu tái định cư; ưu tiên vỉa hè, điện chiếu sáng, cây xanh, thảm cỏ...).

Tỉnh hoàn thành các dự án đầu tư hạ tầng đang thực hiện tại Khu Kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, nhất là đường nối Quốc lộ 1A-cảng Chân Mây; thúc đẩy tiến độ của các dự án đầu tư hạ tầng khu trung tâm điều hành, khu đô thị Chân Mây; vỉa hè và điện chiếu sáng Quốc lộ 1A đoạn qua Lăng Cô, khuyến khích các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp dọc trục Quốc lộ 1A (đoạn qua Chân Mây) theo quy hoạch, triển khai một số dự án trục giao thông chính trong khu đô thị Chân Mây, khu cảng Chân Mây cho giai đoạn 2011-2013.

Thừa Thiên-Huế hướng đến phát triển bền vững, không cấp phép những dự án ảnh hưởng môi trường, nhất là khu vực di tích, cảnh quan sông Hương và môi trường biển./.

Quốc Việt (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục