JBIC: Việt Nam đứng thứ 3 về phát triển trung hạn

Việt Nam đứng thứ 3 về triển vọng phát triển trong giai đoạn trung hạn là một trong những kết quả khảo sát về hoạt động tại nước ngoài của các công ty Nhật Bản năm 2008 do Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) tiến hành và đưa ra trình bày tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 11/2.

Việt Nam đứng thứ 3 về triển vọng phát triển trong giai đoạn trung hạn là một trong những kết quả khảo sát về hoạt động tại nước ngoài của các công ty Nhật Bản năm 2008 do Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) tiến hành và đưa ra trình bày tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 11/2.

Mặc dù được các công ty Nhật Bản đánh giá đứng thứ 3 về triển vọng phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn trung hạn (xếp sau Trung Quốc và Ấn Độ và xếp trên Nga, Thái Lan, Brazil), nhưng tỷ lệ ủng hộ đối với Việt Nam giảm so với năm 2007.

Trong khi đó, Nga và Thái Lan đang theo sát Việt Nam và sự ủng hộ của các công ty Nhật Bản đối với các quốc gia này đang tăng.

Các lý do mà Việt Nam được các công ty Nhật Bản đánh giá cao là địa điểm để đa dạng hóa đầu tư tốt, nguồn nhân công giá rẻ, khả năng phát triển của thị trường nội địa tốt, nguồn nhân lực có chất lượng tốt và có nguồn cung cho ngành công nghiệp lắp ráp.

Tuy nhiên, những vấn đề vẫn cản trở các nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam được nêu lên là cơ sở hạ tầng kém phát triển, khó giữ chân đội ngũ lãnh đạo công ty, giá nhân công tăng, hệ thống thực thi pháp luật yếu và khó giữ chân đội ngũ kỹ thuật viên/kỹ sư.

Cũng theo báo cáo này, các lĩnh vực mà các công ty Nhật Bản quan tâm khi đầu tư vào Việt Nam là thiết bị điện/điện tử, ôtô, máy tổng hợp, hóa chất.


Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết số công ty Nhật Bản được JBIC khảo sát lên đến 620 công ty và những công ty này đang tiến hành hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài trong hầu hết các lĩnh vực chủ yếu như điện tử, hóa chất, cơ khí, dệt may, giao thông vận tải, lương thực thực phẩm.

Nhật Bản được coi là một trong những đối tác trọng điểm trong vận động, thu hút đầu tư của Việt Nam. Trong báo cáo mới đây về tình hình thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài 3 năm 2006-2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nhật Bản đứng thứ 3 trong 70 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, chiếm hơn 11% tổng vốn đăng ký.


Bộ cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất chính sách đối với các tập đoàn đa quốc gia cũng như có chính sách riêng đối với từng tập đoàn và các đối tác trọng điểm như Nhật Bản, các quốc gia thành viên EU, Hoa Kỳ.

Bên cạnh việc thực hiện tốt Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia giai đoạn 2007 - 2010, giải pháp thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nói chung và của Nhật Bản nói riêng của Cục Đầu tư nước ngoài là tiếp tục nâng cao hiệu quả việc chống tham nhũng, tiêu cực và tình trạng nhũng nhiễu đối với nhà đầu tư; đề cao tinh thần trách nhiệm cá nhân trong xử lý công việc, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở các cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó Cục cũng có kế hoạch tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xử lý vấn đề môi trường, vấn đề đình công trái pháp luật của các doanh nghiệp FDI; thực hiện chương trình Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn III hiệu quả; điều chỉnh Cơ chế hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Cơ quan Phát triển kinh tế - EDB (Singapore) phù hợp với tình hình mới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư  khẳng định duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành với các nhà đầu tư, đặc biệt là Diễn đàn doanh nghiệp hàng năm để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các dự án trong quá trình thực hiện chính sách và phát luật hiện hành, đảm bảo các dự án hoạt động đúng tiến độ và hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục