Bắt đầu hồi phục

Kinh tế Việt Nam "chạm đáy" và bắt đầu hồi phục

Bloomberg dẫn lời các chuyên gia nước ngoài nhận định Việt Nam đã "chạm đáy" khủng hoảng và bắt đầu hồi phục với tốc độ vừa phải.
Công ty thông tin tài chính Bloomberg của Mỹ ngày 29/6 dẫn lời các chuyên gia kinh tế nước ngoài nhận định Việt Nam đã "chạm đáy" khủng hoảng và bắt đầu hồi phục với tốc độ vừa phải.

Ông Paul Gruenwald, nhà kinh tế trưởng của chi nhánh Tổ hợp ngân hàng Australia và New Zealand tại Singapore, cho rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy dường như giai đoạn kinh tế tồi tệ nhất tại Việt Nam và nhiều nước trong khu vực đã qua. Theo ông, bây giờ là thời điểm thích hợp để chính phủ các nước tập trung đánh giá khả năng cũng như tốc độ hồi phục của nền kinh tế.

Ông Gruenwald cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm nay của Việt Nam đạt 3,9%, nhích hơn so với quý I (3,1%), là dựa vào tiêu dùng nội địa. Ông dự báo GDP của Việt Nam trong 6 tháng cuối năm nay sẽ tăng vì kế hoạch kích thích tài chính của chính phủ vẫn tiếp tục phát huy hiệu quả.

Nhiều ý kiến cho rằng phần lớn các nước đã vượt qua điểm đáy của cuộc khủng hoảng và những nước nào có năng lực phát triển nội địa tốt sẽ hồi phục nhanh hơn. Các chuyên gia nhận định xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa thực sự khả quan nhưng bù lại, nền kinh tế được các chính sách khuyến khích phát triển của chính phủ hỗ trợ.

Một số chuyên gia đánh giá với tốc độ tăng trưởng hiện nay, Việt Nam, Indonesia, Trung Quốc và Ấn Độ là những nền kinh tế có khả năng phục hồi mạnh hơn so với các nước phụ thuộc vào xuất khẩu khác vì có mức tiêu dùng nội địa cao.

Tuần trước, ngân hàng Credit Suisse Group AG tăng mức dự báo tăng trưởng trong năm 2009 của Việt Nam từ 2% lên 4%. Theo ngân hàng này, mặc dù đầu tư trực tiếp nước ngoài và kim ngạch xuất khẩu giảm, song mức điều chỉnh trên là dựa trên những tín hiệu sớm hồi phục nhu cầu nội địa và nền kinh tế Việt Nam "chắc chắn đã chạm điểm thấp nhất và bắt đầu tăng trưởng ở mức vừa phải".

Bloomberg cũng dẫn thông báo của công ty Standard & Poor’s Ratings Services cho rằng mức lạm phát cao tại Việt Nam đang làm giảm những nỗ lực của chính phủ trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua chính sách tiền tệ và tài chính "mềm"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục