"Không phải cứ hoành tráng mới là Đại lễ 1000 năm"

Trả lời phỏng vấn của Vietnam+,  ông Vương Duy Biên - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) bày tỏ: Quan niệm việc tổ chức lễ hội là dịp để biểu lộ và khuếch trương các nguồn lực là một lăng kính không chuẩn. Không nên đánh giá tiềm lực của một quốc gia, một địa phương nào qua một lễ hội, cho dù đó là "đại lễ hội." Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn, tổ chức mừng Đại lễ 1000 năm không quá hoành tráng là cách làm phù hợp với truyền thống Việt Nam...
Chỉ còn hơn hai tháng nữa là Đại lễ mừng Thăng Long-Hà Nội 1000 năm tuổi sẽ diễn ra tại Hà Nội, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc phỏng vấn ông Vương Duy Biên - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xung quanh công tác tổ chức, chuẩn bị cho lễ hội này.

Không có khuôn mẫu để so sánh

- Gần đây có ý kiến cho rằng nước ta không có khả năng tổ chức một đại lễ, nhất là một đại lễ hội mừng Thăng Long-Hà Nội 1000 tuổi, mà chỉ có thể như tổ chức sinh nhật Hà Nội thôi. Với tư cách là người đứng đầu Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ông sẽ nói gì?

Ông Vương Duy Biên: Theo tôi, không nên quan niệm việc tổ chức lễ hội là dịp để biểu lộ và khuyếch trương các nguồn lực. Đấy là một lăng kính không chuẩn. Không nên đánh giá tiềm lực của một quốc gia, một địa phương nào qua một lễ hội, cho dù đó là đại lễ hội.

Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc có quan niệm riêng về tổ chức lễ hội. Nên tính tỉ lệ với dân số với diện tích, với điều kiện kinh tế của nước đó chứ không thể có một sự so sánh, đối chiếu khi áp đặt sự hoành tráng nào đó từ nước này sang nước khác, rồi đặt ra những yêu cầu lớn về quy mô của đại lễ.

Bên cạnh đó, nếu áp đặt khuôn mẫu để so sánh thì ít có nước nào từng tổ chức lễ hội mừng thành phố 1000 năm tuổi để mà so sánh hay rút kinh nghiệm.

Tôi xin so sánh để dễ hình dung như sau, ví dụ với lễ mừng thọ làm cho một người cha chẳng hạn, đâu có phải cứ làm 50 mâm là…hoành tráng. Có khi chỉ 5 mâm nhưng tình nghĩa, ấm cúng và thể hiện sự tri ân hơn cả 50 mâm.

- Như ông nói, do không có khuôn mẫu cũng như ‘chưa từng làm’ nên xem ra ý kiến lo ngại về năng lực tổ chức cho ra một Đại lễ cũng cần phải để tâm đến chứ, thưa ông?

Ông Vương Duy Biên: Chính xác. Đó là một sự nhắc nhở không thừa. Nước ta là một nước đang phát triển, còn hạn chế về các điều kiện, còn khó khăn kinh tế. Việt Nam còn nhiều việc phải làm vì đất nước, vì nhân dân nên không thể và không nên dốc tiền của quá nhiều để tổ chức một lễ hội thật lớn. Chúng ta sẽ tổ chức rất long trọng nhưng vừa sức.

Việc quyết định không làm quá to, không làm quá tốn kém tôi cho là đúng. Không phải vì chúng ta không thể làm được một lễ hội 1000 năm thật to (mà cái to này cũng là một khái niệm trừu tượng thôi) nhưng chúng ta làm theo cách của Việt Nam, theo truyền thống văn hóa Việt Nam.

Giá trị 1000 năm là giá trị về mặt tinh thần. Chẳng nhẽ lại cứ phải cố quá sức dồn quá lực. Tôi lại ví với đám mừng thọ thì sẽ thấy không lẽ cứ cố đi vay tiền để làm một buổi lễ to hơn, rồi mang nợ là hiếu hạnh ư?

Từ phía khách mà nói, người tốt đi dự mừng thọ không bao giờ chọn xem nhà ấy làm lễ to hay nhỏ, cũng không “nhòm” thực đơn xem có tám món hay mười món mà quý là ở tấm lòng. Tấm lòng của người mời và thành ý của người tham dự lễ. Có khi chỉ một hai món đạm bạc nhưng ấm tình, người ta vẫn đến chung vui. Chúng ta cần những người bạn tốt như vậy.

Đề xuất rồi loại bỏ những gì không phù hợp là đương nhiên

- Có người cho chuyện mấy chiếc cổng chào vào Thủ đô đã bàn qua thử lại tốn kém ít nhiều tiền và công sức thế mà lại thôi, là một ví dụ cho việc chuẩn bị thiếu kỹ càng hướng đến Đại lễ, ông có ý kiến gì?

Ông Vương Duy Biên:Chuyện cổng chào thì cũng có thể hiểu được ngay là chúng ta chưa có kinh nghiệm (mà như tôi nói ở trên cũng không nước nào có kinh nghiệm) nên có việc người đưa ra ý tưởng này, người đưa ra ý tưởng kia. Chuyện đề xuất, bàn bạc, loại bỏ cái gì không khả thi, không phù hợp là đương nhiên, dừng lại còn hơn cố làm để tốn kém quá nhiều.

- Xin ông cho một ví dụ cụ thể về việc tổ chức long trọng nhưng không quá tốn kém trong Đại lễ tới đây?

Ông Vương Duy Biên: Đó là việc chọn diễu binh chứ không duyệt binh. Thế là khiêm nhường, tất nhiên là nước mình có thể tổ chức duyệt binh. Nhưng duyệt binh cần có khí tài, xe tăng, tên lửa, đại bác… sẽ tốn công sức hơn. Song chủ trương thì không coi dịp Đại lễ là cơ hội thể hiện về binh lực. Chúng ta chỉ làm diễu binh là hợp với không khí vui lễ hội.

-Và Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch đảm nhiệm phần 30 phút cuối. Ông có thể gợi hình dung về những nỗ lực để hoàn thành tốt chương trình biểu diễn lần này?

Ông Vương Duy Biên:Đúng vậy. Đó là 30 phút đồng diễn, diễu hành nghệ thuật rộn ràng tiếp nối và kết lại sau 70 phút diễu binh và diễu hành.

Phần thực hiện của Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ có tên là "1000 năm Thăng Long hội tụ và tỏa sáng." Ban đầu có dự thảo kế hoạch kịch bản sẽ mang tính sử thi. Với những màn dàn dựng mang tính lịch sử. Mở ra các màn trình diễn từ thời Đinh Tiên Hoàng đến thời đại Hồ Chí Minh. Nhưng cuối cùng chúng tôi quyết định sẽ dựng tập trung luôn vào chủ đề mừng 1000 năm.

Như vậy về mặt nội dung sẽ không ôm đồm quá nhưng về mặt nghệ thuật thì đòi hỏi phải nổi bật và hiệu quả hơn hẳn. Sự nỗ lực không ở quy mô mà ở sự "hội tụ và tỏa sáng" của nghệ thuật sẽ làm nên thành công.

- Ông có thể đưa đến một hình dung mở đầu của 30 phút mà Cục Nghệ thuật biểu diễn được Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch giao thực hiện?

Ông Vương Duy Biên: Sau khối thông tin báo chí vừa qua thì từ các phía, các dòng người tham gia diễu hành nghệ thuật ào ra như các con sông đổ về hòa trong dòng sông Việt trong ngày hội non sông gấm vóc một nhà!

- Thế còn số người tham gia và sự đặc biệt của cách thức thể hiện, thưa ông?

Ông Vương Duy Biên: Sẽ có hơn 2000 người tham dự. Phần Khúc hoan ca sẽ có dàn hợp xướng 500 nam và 500 nữ. Sẽ có động tác ra sân thật đẹp rồi tạo thành dàn hợp xướng. Phần đọc "Thiên đô chiếu" không trên nền tiếng chiêng trống như thường thấy mà sẽ trên nền vocal của dàn hợp xướng của 1000 người.

- Để không bị lặp lại như nhiều lễ hội khác, Cục đã mời nhạc sĩ nào cho chương trình ?

Ông Vương Duy Biên: Nhạc sĩ Quốc Trung. Tôi hy vọng âm nhạc lần này sẽ ấn tượng.

- Và hình ảnh kết thúc là...

Ông Vương Duy Biên: Sẽ kết thúc phần biểu diễn nghệ thuật bằng một bức tranh xếp hình với 2000 người tạo thành cánh chim hòa bình bay trên bầu trời. Với hoa lá, mây trời trang trí. Không một dòng chữ hay khẩu hiệu nhưng vẫn tràn đầy ý nghĩa. Hình tượng này ngợi ca Hà Nội-Thành phố vì hòa bình.

- Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục