Brazil: Đình công đòi cải thiện điều kiện lao động

Nhiều cuộc đình công và tuần hành đã đồng loạt diễn ra tại 18 trên tổng số 26 bang theo lời kêu gọi các tổ chức nghiệp đoàn.
Ngày 11/7, nhiều cuộc đình công và tuần hành đã đồng loạt diễn ra tại 18 trên tổng số 26 bang của Brazil theo lời kêu gọi các tổ chức nghiệp đoàn lớn nhất quốc gia Nam Mỹ này.

Các cuộc đình công diễn ra trong khuôn khổ “Ngày đấu tranh toàn quốc” nhằm yêu cầu giảm giờ làm, cải thiện điều kiện làm việc, tăng đầu tư cho các chương trình giáo dục, y tế và cải thiện chất lượng giao thông công cộng.

Tham gia các hoạt động phản kháng trong ngày 11/7 có hàng chục ngàn công nhân thuộc công đoàn các ngành hóa chất, luyện kim, nhựa, xây dựng, dệt may, giáo dục, giao thông và giáo viên...

Các nguồn tin tại chỗ cho biết ít nhất 50 trục đường giao thông huyết mạch đã bị phong tỏa, trong có đường cao tốc Via Dutra nối thành phố đông dân nhất Brazil Sao Paulo với Rio de Janeiro và con đường dẫn tới cảng biển lớn nhất Mỹ Latinh Santos.

Tại thành phố Rio de Janeiro, ít nhất 60 chi nhánh ngân hàng đã phải đóng cửa do lo sợ bị cướp bóc và phá phách, như đã từng diễn ra trong các cuộc biểu tình hồi tháng trước. Trong khi đó, giao thông công cộng tại các thành phố Porto Alegre, Vitoria, Belo Horizonte, Salvador và Manaos cũng bị tê liệt.

Tại thủ đô Brasilia, phong trào "Những người lao động không ruộng đất" đã chiếm một phần trụ sở Viện cải cách nông nghiệp để đòi đẩy nhanh cải cách ruộng đất. Khoảng 1.500 người biểu tình cũng đã tụ tập bên ngoài trụ sở Quốc hội đòi cải thiện điều kiện làm việc.

Mặc dù được tiến hành trên quy mô lớn nhưng nhìn chung các cuộc biểu tình ở Brazil diễn ra tương đối hòa bình, ngoại trừ một số đụng độ nhỏ giữa cảnh sát và những người biểu tình quá khích tại bang Rio de Janeiro và Sao Paulo.

Tại Rio de Janeiro, cảnh sát đã phải ngăn chặn những người biểu tình đang tìm cách xông vào trụ sở chính quyền để yêu cầu Thống đốc bang Sergio Cabral từ chức. Còn tại Sao Paulo, đụng độ xảy ra khi cảnh sát tìm cách giải tỏa giao thông. Tại một số điểm khác, cảnh sát cũng đã phải sử dụng hơi cay và đạn cao su để giải tán người biểu tình quá khích.

Các cuộc biểu tình này diễn ra chưa đầy một tháng sau khi nổ ra làn sóng biểu tình rầm rộ làm rung chuyển quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh để phản đối nạn tham nhũng và yêu cầu chính phủ tăng đầu tư xã hội. Trước những đòi hỏi của quần chúng, Tổng thống Dilma Rousseff đã đề nghị Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân về cải cách chính trị./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục