Lo ngại rủi ro

"Ngân hàng huy động càng cao thì rủi ro càng lớn"

Giới chuyên gia lo ngại cuộc đua lãi suất huy động đang tái diễn phức tạp sẽ đẩy lãi suất cho vay lên cao và khả năng rủi ro càng lớn.
Dù Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất huy huy động 14% từ giữa tháng 3/2011, nhưng tình trạng nhiều ngân hàng thương mại vẫn ngầm "đi đêm" huy động vượt trần với 16 - 17% lại đang tái diễn. Câu chuyện này đã không còn là mới và hậu quả của nó cũng không là nhỏ nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Tại thời điểm này, cuộc đua nâng lãi suất huy động này còn có vẻ quyết liệt và nóng bỏng hơn với mức lãi suất có khi lên tới 18-19%.

Nhiều ngân hàng huy động vượt trần

Động thái tăng thêm các lãi suất chủ chốt (lãi suất tái chiết khấu lên 14%/năm) đúng bằng trần lãi suất mà các ngân hàng được phép huy động từ dân cư của Ngân hàng Nhà nước mới đây đã gây áp lực lên mặt bằng lãi suất.

Cùng với đó, dư luận cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét nâng trần lãi suất tiết kiệm tiền đồng, khiến tình trạng thỏa thuận ngầm về lãi suất tiền gửi diễn ra mạnh hơn, dù lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, chưa xem xét điều chỉnh vấn đề này.

Không tiếp cận được vốn trên thị trường liên ngân hàng, các nhà băng nhỏ tiếp tục đẩy mạnh khuyến mãi, với kỳ vọng thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư. Từ đó, cuộc đua lãi suất càng "nóng" hơn.

Đang có một cuộc đua lãi suất huy động giữa các ngân hàng thương mại, với lãi suất quanh mức 18%/năm, thậm chí có thể lên tới 19,5% tùy theo lượng tiền và kỳ hạn gửi, bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản quy định trần lãi suất huy động chỉ là 14%/năm.

Cuộc đua này đã không còn kín đáo như những lần trước đây, khi mà ngân hàng chỉ dành cho những khách quen biết, mà nay đã mở rộng ra cả với những khách hàng lạ qua hình thức gọi điện.

Chị Trần Hải Yến ở khu tập thể Giảng Võ (Hà Nội) vừa bán mảnh đất được 1,9 tỷ đồng, chị mới chỉ nói chuyện với hàng xóm sẽ gửi tiết kiệm trong khi chưa đầu tư vào việc khác. Ngay sáng hôm sau chị đã nhận được điện thoại của một nhân viên ngân hàng mời gửi tiết kiệm với mức lãi suất 17,5% kỳ hạn 1 tháng. Tuy nhiên sau khi “cò kè” với nhân viên ngân hàng chị đã được hưởng mức lãi suất 18,5%.

Để chi trả cho phần chênh lệch lãi suất giữa 14%/năm theo quy định và 18% đến 19%/năm theo thực tế, mỗi ngân hàng hiện có một cách riêng để hợp thức hóa. Chẳng hạn, có ngân hàng trả tiền lãi 14%/năm vào cuối kì, còn 4% còn lại, ngân hàng sẽ chi trả trực tiếp ngay khi khách hàng đến gửi tiền dưới hình thức làm phiếu quà tặng cho khách hàng.

Lãi suất càng cao, càng nhiều rủi ro

Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, hạn chế cho vay ra, nhiều chuyên gia cho rằng động thái đua lãi suất huy động này được xem là điều không bình thường.

Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, một trong những chuyên gia hàng đầu về tài chính ngân hàng, cho rằng có 3 lý do để các ngân hàng thương mại phải nâng lãi suất huy động lên.

Thứ nhất là một số ngân hàng nhỏ có khả năng thanh khoản thấp nên phải tìm mọi cách để thu hút dòng tiền, trong đó có cách đẩy lãi suất lên cao. Thứ hai là khi hạ thấp mức tăng trưởng tín dụng, khả năng lạm phát tăng lên, huy động vốn vào khó thì ắt các ngân hàng phải nâng mức lãi suất tiền gửi lên. Thứ 3 là do cách phối hợp điều hành chưa chặt chẽ, các ngân hàng cạnh tranh thu hút vốn dẫn đễn sự hỗn loạn trên thị trường tiền tệ.

Khẳng định việc đẩy lãi suất lên đến 18-19% là không phù hợp trong thời điểm hiện nay, ông Kiêm cũng cho rằng phải tính lại cách quản lý lãi suất, ví dụ khống chế đầu ra của lãi suất cho vay, còn lãi suất tiền gửi để các ngân hàng có sự cạnh tranh lành mạnh.

“Ta nên khống chế mức cao nhất, còn dưới đó thì ngân hàng nào huy động cao thì lãi ít, huy động thấp thì lãi nhiều. Mỗi ngân hàng phải triệt để củng cố huy động của mình làm sao cho chi phí ít nhất,” ông Kiêm nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến trong giới chuyên môn cũng cho rằng, thắt chặt tiền tệ là điều cần thiết nhưng mức lãi suất 14%/năm là khó để nhiều ngân hàng huy động được vốn, và việc Ngân hàng Nhà nước khống chế lãi suất đầu vào vẫn được coi là một biện pháp hành chính.

Cho biết một thực tế là thời gian qua nhiều ngân hàng lớn đã lên tiếng nhiều về nguồn tiền gửi từ dân cư giảm do các ngân hàng nhỏ "chào" cao hơn, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, cũng cho rằng khi cần thiết phải sử dụng biện pháp hành chính nhưng điều này cũng dễ dẫn đến lách luật và làm cho méo mó thị trường. Do đó, khi điều kiện kinh tế và thị trường cho phép thì phải chuyển từ biện pháp hành chính sang các biện pháp kinh tế để đạt hiệu quả hơn.

“Nếu các ngân hàng đẩy lãi suất huy động ở mức 18-19% thì lãi suất cho vay khó có thể ở mức 21%, đây là mức lãi suất quá cao đối với các doanh nghiệp sản xuất, lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn,” bà Mùi nhận định.

Chuyên gia này cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần giám sát và kiểm soát được tính thanh khoản của từng ngân hàng thương mại, vì thực tế có thể chỉ một số ít ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản nên đẩy lãi suất tăng cao.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần phải xử phạt nghiêm nhưng ngân hàng huy động vượt trần để làm cho thị trường ổn định và lành mạnh hơn./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục