Chiến tranh với Syria sẽ là sai lầm của Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang gần kề "miệng hố" chiến tranh hơn bao giờ hết sau khi năm người Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng do bị Syria pháo kích. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mắc sai lầm lớn nếu tham gia vào một cuộc chiến với Syria bởi cuộc chiến này có thể sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho chính quốc gia này.
Theo Tân Hoa Xã, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang gần kề "miệng hố" chiến tranh hơn bao giờ hết sau khi năm người Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng do bị Syria pháo kích.

Chỉ trong vòng một tuần, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã hai lần đề cập tới chiến tranh, nói rằng chiến tranh không còn xa và kêu gọi nhân dân hãy sẵn sàng. Gần một tuần qua, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã liên tục bắn đạn pháo nhằm vào lãnh thổ của nhau.

Ngày 6/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta dự đoán rằng xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể sẽ leo thang và lan sang các quốc gia láng giềng trong khu vực.

[Quân nổi dậy Syria chiếm ngôi làng gần Thổ Nhĩ Kỳ]


Tuần trước, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn một dự luật chiến tranh, cho phép tiến hành thêm nhiều hoạt động quân sự xuyên biên giới chống lại Syria.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mắc sai lầm lớn nếu tham gia vào một cuộc chiến với Syria bởi cuộc chiến này có thể sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho chính quốc gia này.

Aykan Erdemir, một nghị sỹ Quốc hội của Thổ Nhĩ Kỳ đến từ Đảng của những người Cộng hòa (CHP) - một đảng đối lập, phát biểu với hãng tin Tân Hoa Xã: "Nếu Thổ Nhĩ Kỳ gây chiến với Syria, thì việc đó sẽ gây thiệt hại cho cả hai nước.

Sự ổn định xã hội, phát triển kinh tế và tiến trình dân chủ hóa của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đều bị ảnh hưởng.

Hơn thế nữa, chiến tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sẽ khiến tình hình bất ổn lan ra các nước láng giềng trong khu vực, đẩy khu vực Trung Đông vốn mang tính bè phái và bị kiệt quệ vì chiến tranh rơi vào tình trạng hỗn loạn hơn."

Ibrahim Kalin, Cố vấn cấp cao của Thủ tướng Erdogan, nói: "Chúng tôi không muốn có chiến tranh với Syria, điều đó chỉ khiến hai nước phải chịu nhiều thương vong hơn. Bước tiếp theo, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục kêu gọi thiết lập một vùng đệm với sự đồng thuận của quốc tế."

Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã gây ra nhiều thiệt hại đáng kể đối với việc xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang các quốc gia láng giềng như Iran và Iraq.

Theo Giáo sư Seyfettin Gursel, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội thuộc Đại học Bahcesehir của Thổ Nhĩ Kỳ, một cuộc chiến tranh toàn diện với Syria sẽ tiêu tốn nhiều tiền của vì phải tăng cường chi tiêu quân sự.

Thổ Nhĩ Kỳ đang rất cần phát triển trao đổi thương mại với các nước láng giềng giàu năng lượng, tại thời điểm mà các mối quan hệ kinh tế với các quốc gia châu Âu trở nên tồi tệ do Liên minh châu Âu hiện đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính.

Không có nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ muốn thấy đất nước họ tham gia một cuộc chiến toàn diện với Syria, thậm chí ngay cả trong nội bộ Đảng Công lý và Phát triển (AKP) - đảng cầm quyền của Thủ tướng Erdogan.

Kết quả cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy 76% số người được hỏi phản đối hành động can thiệp quân sự đơn phương của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc xung đột Syria. Chỉ có 17% ý kiến ủng hộ việc Thổ Nhì Kỳ thực hiện hành động quân sự chống lại chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Emre Uslu, một nhà phân tích chính trị có tiếng tăm và chuyên nghiên cứu về Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định rằng chính sách đối với Syria của Thổ Nhĩ Kỳ là một thất bại hoàn toàn.

Theo ông, Thổ Nhĩ Kỳ thiếu những thông tin tình báo chính xác và đáng tin cậy về Syria, điều này đã dẫn tới những tính toán sai lầm về sự sụp đổ của ông Assad, dự đoán sai về sự thành lập một quốc gia của người Kurd ở phía Bắc Syria và thổi phồng kỳ vọng về các lực lượng đối lập tại Syria.

Uslu lập luận rằng các thông tin tình báo không chính xác và những phân tích thiếu sự nhìn xa trông rộng đã gây ảnh hưởng xấu tới chính sách đối với Syria của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nói: "Do không dự đoán trước được tình hình và thiếu tầm nhìn, Ankara phải tránh việc gây chiến."

[Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành động nếu Syria vẫn bắn rocket]

Khi cuộc khủng hoảng Syria bắt đầu xảy ra, Thổ Nhĩ Kỳ dự đoán rằng, cũng giống như Hosni Mubarak và Muanmmar Gaddafi, ông Assad sẽ không tồn tại lâu.

Cả Thủ tướng Erdogan và Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đều cho rằng ông Assad sẽ sớm phải ra đi. Tuy nhiên, cuộc nội chiến tại Syria đã kéo dài hơn 19 tháng, khiến gần 100.000 người Syria sang Thổ Nhĩ Kỳ để tị nạn, khiến nước này phải đối mặt với nhiều rủi ro về an ninh.

Các cuộc tấn công của các tay súng thuộc Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đang ngày càng tăng kể từ khi quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria xấu đi.

PKK, một tổ chức bị Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ liệt kê vào danh sách khủng bố, đang thành lập một quốc gia của người Kurd ở phía Bắc Syria.

Các nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc tội Chính phủ Syria cho phép PKK hoạt động trên lãnh thổ Syria và ủng hộ các tay súng người Kurd phá hoại Thổ Nhĩ Kỳ.

Amanda Paul, một nhà phân tích chính trị của Trung tâm Chính sách châu Âu, nói: "Cuộc khủng hoảng Syria đã khơi lại hy vọng cho người Kurd đang sinh sống rải rác tại Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria và Iran rằng đang có những dấu hiệu tích cực. Họ hy vọng từ cuộc khủng hoảng này, họ sẽ thành lập được một nhà nước riêng hay ít nhất giành được quyền tự trị lớn hơn."

PKK luôn là một mối đe dọa an ninh đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Một số thường dân Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sát hại trong các cuộc tấn công của PKK và theo ước tính mới nhất của ông Faruk Celik - Bộ trưởng Lao động và An ninh Xã hội, kể từ năm 1984, chính phủ đã phải chi hơn 400 tỷ USD để chiến đấu chống lại những phần tử khủng bố thuộc PKK.

Theo ông Uslu, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh giá quá cao sức mạnh của phe đối lập Quân đội Syria Tự do (FSA) và do những yếu kém trong hoạt động phân tích chiến lược, họ đã không nhận ra rằng phe đối lập tại Syria không thể đoàn kết.

Nghị sỹ Erdemir có đồng quan điểm với nhà phân tích Uslu song ông có một cách nhìn nhận khác.

Ông nói: "Một vấn đề khác đó là Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ủng hộ một số các lực lượng trong phe đối lập. Họ có mối quan hệ gần gũi với Tổ chức Anh em Hồi giáo tại Syria - tổ chức có chung nguồn gốc Hồi giáo dòng Sunni với đảng AKP, trong khi đó lại hờ hững với các cộng đồng khác như Cơ đốc giáo, Do Thái và các nhóm thế tục khác trong xã hội Syria. Chính sách này sẽ làm sâu sắc thêm tình trạng chia rẽ bè phái tại Syria."

Nhiều nhà phân tích cũng tỏ ra hoài nghi về khả năng các lực lượng đối lập có thể thành lập một nhà nước Syria đoàn kết và ổn định sau khi ông Assad sụp đổ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục