Bạch kim, palađi đang hấp dẫn các nhà đầu tư

Sau 1 năm đổ xô vào vàng, các nhà đầu tư đang chuyển sự chú ý sang bạch kim và palađi - những kim loại quý có giá tăng cao hơn vàng.
Sau một năm đổ xô vào vàng, các nhà đầu tư đang chuyển sự chú ý sang bạch kim và palađi - những kim loại quý có giá tăng cao hơn vàng trong năm 2009 và được dự báo sẽ còn tăng trong năm 2010.

Trong năm 2009, giá bạch kim tăng trung bình gần 60% và palađi tăng gấp đôi, trong khi vàng tăng 24%, bạc tăng gần 45%.

Bạch kim và palađi tăng giá lần lượt 12% và 15% trong tháng 12/2009 và đạt mức đỉnh vào cuối tuần qua sau lễ khai trương hai sàn giao dịch tại Mỹ.

Trong 10 ngày giao dịch đầu tiên, hai sàn giao dịch chuyên trao đổi các cổ phần, cổ phiếu bạch kim và palađi (PPLT/NYSE) này đã thu hút hơn 500 triệu USD đầu tư.

Trong năm 2010, các nhà phân tích dự đoán các kim loại quý tiếp tục tăng giá, trong đó giá bạch kim và bạc một lần nữa sẽ tăng mạnh hơn vàng.

Theo cuộc thăm dò ý kiến mới đây của Thomson Reuters, giá bạch kim dự kiến sẽ tăng 29%, đạt trung bình 1.553,75 USD/ounce trong năm 2010. Thậm chí, palađi sẽ tăng 50%, đạt mức 434 USD/ounce.

Bạc được dự báo sẽ tăng 24%, đạt mức 18,50 USD/ounce trong năm 2010 so với mức 14,87 USD năm 2009. Ước tính, giá vàng tăng 13%, đạt 1.150,50 USD/ounce.

Chu kỳ kinh tế sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng các kim loại quý trong công nghiệp. Đồng thời, hầu hết các kim loại quý được hưởng lợi từ tỷ lệ lãi suất thấp, khi các nước thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng.

Trong khi đó, thâm hụt ngân sách ngày càng tăng của Mỹ đang xói mòn nền tảng của đồng USD. Các mối quan ngại ngày càng tăng về lạm phát khi chính phủ rót tiền kích thích sự hồi phục kinh tế.

Ngoài việc sử dụng như một loại tiền tệ dự trữ theo cách thức tương tự như vàng và bạc, nhu cầu đối với bạch kim và palađi đang xuất phát từ chính lợi ích thương mại của các kim loại quý này.

Cụ thể, nhu cầu của ngành công nghiệp ôtô chiếm khoảng 30% tổng sản lượng các kim loại quý của thế giới. Các kim loại quý này cũng được ứng dụng trong sản xuất điện điện, xăng dầu, thủy tinh và tất nhiên cả trang sức. Trong khi đó, nguồn cung các kim loại này không dồi dào.

Việc thiếu điện làm hạn chế hoạt động sản xuất tại Nam Phi - quốc gia chiếm 80% sản lượng toàn cầu, khiến cung-cầu mất cân đối dai dẳng. Từ năm 1997, cầu đã vượt quá cung khoảng 9 tỷ ounce.

Tuy nhiên, không giống như bạc và trong chừng mực nào đó cũng không giống vàng, nguồn cung bạch kim có thể khan hiếm bất cứ lúc nào.

Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới có rất ít platin. Trong khi đó, theo các chuyên gia, với nhu cầu ngày càng tăng, giá bạch kim sẽ ngày càng bùng nổ và tăng lên rất cao./.

Công Văn Nghĩa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục