Hoàng thành Thăng Long với đô thị đương đại

Việc phát huy giá trị lâu dài của khu di tích Hoàng thành Thăng Long trong bối cảnh đô thị đương đại là một trong những chủ đề mà các nhà quản lý, khảo cổ học và sử học trong nước và quốc tế tập trung thảo luận tại một hội thảo diễn ra ngày 24/11.

Việc phát huy giá trị lâu dài của khu di tích Hoàng thành Thăng Long trong bối cảnh đô thị đương đại là một trong những chủ đề mà các nhà quản lý, khảo cổ học và sử học trong nước và quốc tế tập trung thảo luận tại một hội thảo diễn ra ngày 24/11.

Hội thảo quốc tế "Nhận diện giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau 5 năm nghiên cứu so sánh (2004-2008)" đã thu hút nhiều nhà khoa học đến từ Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Bỉ và Italia.

Các đại biểu đã nhận diện vị trí, vai trò của Kinh đô Thăng Long trong lịch sử châu Á, đánh giá quá trình nghiên cứu về di tích và các hiện vật, vấn đề môi trường, không gian quy hoạch, đồng thời trao đổi về những ý tưởng nghiên cứu quy hoạch bảo tồn, bảo tàng.

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long là bản sắc độc đáo của Hà Nội dựa trên sự hòa nhập của các yếu tố hiện đại và cổ xưa, có giá trị lịch sử-văn hóa cao, đặc biệt là trong việc phát triển nghiên cứu và giáo dục lịch sử.

Theo các nhà khoa học, với khu di tích này, giáo trình lịch sử dân tộc sẽ có bằng chứng minh họa sinh động mà bảo tàng không thể làm được, vì hiện vật bị tách rời khỏi bối cảnh.

Kết quả khai quật cho thấy đây là khu trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần và Lê, với một quần thể nhiều loại hình di tích kiến trúc dưới lòng đất, minh chứng lịch sử lâu dài của Kinh đô Thăng Long qua gần 1.300 năm, từ thời Tiền Thăng Long (thế kỷ 7-9) đến thời kỳ Thăng Long-Hà Nội. Giá trị nổi bật và tính độc đáo của khu di tích này là có nhiều tầng văn hóa của nhiều thời kỳ nằm chồng xếp, đan xen nhau, tiếp nối nhau liên tục không đứt đoạn, phản ánh mối quan hệ về quy hoạch đô thị và không gian kiến trúc, cũng như sự tiếp nối giữa các triều đại trong lịch sử xây dựng kinh đô.

Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy hàng triệu di vật khảo cổ, trong số đó có nhiều đồ gốm sứ của Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Á minh chứng mối quan hệ, sự giao lưu kinh tế, văn hóa rộng mở của kinh đô Thăng Long trong lịch sử.

Theo các nhà khoa học, cần quy hoạch di tích này thành công viên lịch sử-văn hóa, tạo ra một không gian xanh và mở hài hòa với kiến trúc của nhà Quốc hội và Khu trung tâm chính trị Ba Đình, vừa đáp ứng yêu cầu bảo tồn, phát huy giá trị và nhu cầu thụ hưởng văn hóa của công chúng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục