Nhận diện đúng hàng Việt để kích cầu người Việt

Hiện nay, khái niệm về hàng Việt Nam không dễ, sản phẩm nào sản xuất tại Việt Nam thì người ta cho rằng đó là hàng Việt Nam. Đã từng có câu hỏi đặt ra là các sản phẩm Ford, Honda, Coca-cola, Pepsi có phải là hàng Việt Nam hay không? Bên cạnh đó, làm cách nào để kích cầu cho những thương hiệu do người Việt Nam làm chủ là vấn đề cần đặt ra song song với việc quản lý tốt thị trường để tránh tình trạng hàng giả hàng Việt Nam khiến kích cầu nhầm cho các mặt hàng nhái.
Trước sự xuất hiện tràn lan của nhiều loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường, cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam của Chính phủ đang là một chủ trương đúng, góp phần cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, để cuộc vận động này có hiệu quả, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam cần có giải pháp tích cực để nâng cao vị thế và tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho hàng Việt.

 Nhận diện đúng hàng Việt

Hiện nay, khái niệm về hàng Việt Nam không dễ, sản phẩm nào sản xuất tại Việt Nam thì người ta cho rằng đó là hàng Việt Nam. Đã từng có câu hỏi đặt ra là các sản phẩm Ford, Honda, Coca-cola, Pepsi có phải là hàng Việt Nam hay không, nhiều người cho rằng, các mặt hàng này có đóng thuế, sử dụng nguyên liệu, lực lượng lao động tại Việt Nam thì tại sao không được gọi là hàng Việt Nam?

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA): Theo quy định hàng nhập khẩu là hàng hóa được sản xuất từ một nước khác và nhập qua cửa khẩu Việt Nam, có xuất xứ từ nước ngoài. Dù nhà máy này do người Việt Nam làm chủ, sử dụng nhân công Việt Nam, thậm chí có dùng một phần nguyên liệu từ Việt Nam cũng đều được xem là hàng nhập khẩu. Điều này phù hợp với quy tắc xuất xứ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Hàng nội địa hóa là hàng hóa được sản xuất từ nhà máy ở trong nước nhưng mang nhãn hiệu nước ngoài, chủ sở hữu nhãn hiệu đó là người nước ngoài hoặc đó là hàng sản xuất bởi nhà máy trong nước và sở hữu nhãn hiện là công dân Việt Nam nhưng tỷ lệ giá trị gia tăng không đạt mức quy định của hàng Việt Nam.

Để được gọi là hàng Việt Nam, cần phải đạt tiêu chí sau: Phải được sản xuất trong nước, có phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước đạt tỷ lệ nhất định do cơ quan thẩm quyền của Việt Nam quy định tùy theo từng chủng loại và điều kiện cụ thể.

Thí dụ, đối với các ngành hàng mà vật tư trong nước không đáp ứng đủ, sẽ chấp nhận mức giá trị gia tăng thấp hơn, như hàng điện tử, máy móc. Ngược lại, các sản phẩm như thực phẩm, hàng tiêu dùng thông thường, phải có giá trị gia tăng cao hơn; chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa phải là công dân Việt Nam.

Như vậy, các sản phẩm ôtô lắp ráp tại Việt Nam mang nhãn hiệu Ford, Toyota hoặc xe gắn máy hiệu Honda, Yamaha... hoặc các sản phẩm Pepsi, Coca-cola dù có sử dụng nhân công Việt Nam và một số phụ tùng trong nước đều được xem là hàng nội địa hóa chứ chưa phải là hàng Việt Nam.

Trường hợp doanh nghiệp trong nước đặt mua toàn bộ công nghệ, nguyên liệu và thuê nhân công nước ngoài thì nếu người đăng ký nhãn hiệu là công dân Việt Nam và có tỷ lệ giá trị giá tăng phù hợp với quy định thì sẽ được xem là hàng Việt Nam. Nếu thiếu một trong hai yếu tố đó thì chỉ được gọi là hàng nội địa hóa.

Đối với sản phẩm thủ công mỹ nghệ sản xuất tại Việt Nam nhưng nhà máy do người nước ngoài thành lập và bán ra thị trường thế giới với tên nước ngoài thì sẽ được xem là hàng có “xuất xứ Việt Nam” và được cấp chứng nhận xuất xứ (C/O) Việt Nam khi xuất khẩu. Các hàng hóa đó nếu được tiêu thụ trong nước thì sẽ không được xem là hàng Việt Nam vì chủ sở hữu nhãn hiệu là công dân nước ngoài, mà chỉ được xem là hàng nội địa hóa.

Giải pháp nào để kích cầu hàng Việt hiệu quả

Với khả năng hiện nay, Nhà nướcViệt Nam không thể đủ tiền để kích cầu cho những công ty liên doanh vì phần lớn họ là những công ty có thương hiệu mạnh. Chỉ riêng nhãn hiệu Coca-cola có giá trị thương hiệu khoảng 60 tỷ USD, gần bằng GDP của cả nước Việt Nam trong một năm. Không thể phủ nhận rằng những công ty này đã có đóng góp rất lớn cho đất nước vì đã góp phần tham gia phát triển kinh tế; đào tạo một đội ngũ cán bộ quản lý hiện đại cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong điều kiện Việt Nam chưa đủ khả năng để hỗ trợ tất cả các cơ sở, doanh nghiệp nhưng sẽ ưu tiên sản xuất cho các thương hiệu Việt Nam đó là những thương hiệu do người Việt Nam là chủ sở hữu và không vì thế phân biệt đối xử với các thương hiệu khác sản xuất tại Việt Nam.

Cùng với việc ưu tiên cho những thương hiệu do người Việt Nam làm chủ, vấn đề quản lý tốt thị trường để tránh tình trạng hàng giả là hàng Việt Nam là điều rất quan trọng vì nếu không sẽ kích cầu nhầm cho các mặt hàng nhái này.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã lấy thương hiệu là tên nước ngoài để xuất khẩu hoặc dành một phân khúc thị trường cao cấp. Điển hình là Càphê Trung Nguyên khi xuất qua Mỹ, nguời tiêu dùng ở nước này lại không đọc được chữ Nguyên, nhưng tên Sony của hãng Sony thì người Việt Nam nào cũng có thể đọc được, đó là nghệ thuật đặt tên thương hiệu của họ. Công ty may Nhà Bè cũng vừa ra mắt thương hiệu Matana, nếu đọc thì ai nghĩ rằng đó là hàng Việt Nam.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong xúc tiến thương mại, quan trọng nhất là khâu truyền thông, thông tin và giới thiệu hàng Việt Nam ở trên các báo nhưng việc vẫn chưa nhiều. Các doanh nghiệp, nhất là các công ty liên doanh có nhiều tiền thì quảng cáo được nhiều hơn nên hàng Việt Nam vẫn còn bị yếu thế. Nhà nước phải có một giải pháp phối hợp với cơ quan truyền thông để đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để khuyến khích tiêu dùng.

Ngoài ra, không ai xúc tiến thương mại thay cho doanh nghiệp tốt bằng chính doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào chờ Nhà nước bán hàng cho mình thì doanh nghiệp đó trước sau sẽ chết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục