Vĩnh Phúc gồng mình cứu đê sông Cà Lồ

Ba ngày nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động trên 10.000 lượt bộ đội và dân quân tự vệ các địa phương, các đội thanh niên xung kích ở các xã trong vùng liên tiếp canh trực và hộ đê trên hệ thống sông Cà Lồ chảy qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Ba ngày nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động trên 10.000 lượt bộ đội và dân quân tự vệ các địa phương, các đội thanh niên xung kích ở các xã trong vùng liên tiếp canh trực và hộ đê trên hệ thống sông Cà Lồ chảy qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Hệ thống sông Cà Lồ chảy qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc dẫn nước vào hệ thống sông Cầu đang bị dâng cao vì nước từ các hồ, đập vùng thượng lưu xả tràn đổ về trong khi mực nước sông Cầu đang ở mức cao. Nếu hai đoạn đê này bị vỡ sẽ ảnh hưởng tới trên 10 xã thuộc các địa bàn thị xã Phúc Yên, huyện Bình Xuyên, huyện Yên Lạc với trên 10.000 ha đất trồng trọt và trên 10.000 hộ dân.

Đoạn đê hữu của sông dài gần 1 km ở xã Nam Viêm, thị xã Phúc Yên và đoạn đê Sáu Vó gần 2 km thuộc xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên đang bị đe doạ nghiêm trọng. Đây là các đê xây dựng bằng đất, đã bị ngập nước từ 3-4 ngày qua đang có dấu hiệu bị nhũn nhão. Đê Sáu Vó đoạn xã Tân Phong cốt nước đang trên 9 m (bình thường chỉ 4-5 m) đã bị 2 cung sạt lở dài trên 200 m, 1 điểm rò mang cống, 2 đoạn bị sóng đánh mạnh theo dòng chảy liên tục táp sóng vào bờ đất, 2 đoạn đê bị tràn, mỗi đoạn tràn dài trên 30 m. Đê Nam Viêm có 2 mạch sủi, 2 đoạn có dấu hiệu lún đất, cốt nước xấp xỉ 10 m (bình thường chỉ 6-7m). Theo dự báo, tình trạng ngập nước có thể kéo dài trong vòng 6-7 ngày nữa.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cử lãnh đạo thường trực 24/24 h trong ngày. Ở khu vực đê Sáu Vó, 2 con chạch lớn đã được gia công, lấp kín đoạn đê bị tràn. Mang cống bị rò cũng đã được bịt kín vào 24 giờ ngày 2/11. Tại 2 điểm ngoặt dòng chảy, trên 300 m2 phên đã được dựng để chắn sóng. Ở đê Nam Viêm, các lực lượng hộ đê đã thả kè, rọ đá phía chân đê các điểm có dấu hiệu nhũn nhão. Các mạch sủi đã được dò tìm đầu lỗ để xử lý theo phương án khoan phụt vữa bêtông.

Phương án sơ tán dân và đảm bảo cho người dân ít bị ảnh hưởng nếu như không giữ nổi đê đã được chuẩn bị kỹ. Xuồng cứu hộ, lực lượng thực binh của Quân khu II và Ban chỉ huy quân sự tỉnh, cơ số thuốc, nước sạch, lương khô, mì tôm...đều đã được chuẩn bị. Các bãi tập kết cũng đang được chuẩn bị kỹ. Lực lượng công an, dân quân tự vệ tích cực hoạt động bảo vệ trị an, bảo vệ tài sản của nhân dân.

Đến thời điểm này, mưa lũ đã làm 4 người địa phương và 2 khách vãng lai thiệt mạng, 1 người bị thương do sét đánh; trên 1.000 ngôi nhà bị ngập nước trong đó 12 ngôi bị sập đổ. Khoảng 17.000 ha hoa màu bị ảnh hưởng, trong đó trên 8.500 ha mất trắng, thiệt hại ước trên 300 tỷ đồng./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục