Anh cấp 62 tỷ USD hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng

Chính phủ Anh sẽ hỗ trợ 40 tỷ bảng Anh (62 tỷ USD) cho các dự án cơ sở hạ tầng nhằm tạo thêm cú hích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chính phủ Anh ngày 18/7 đã quyết định hỗ trợ 40 tỷ bảng Anh (62 tỷ USD) như "khoản tiền bảo đảm" để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng với mục đích tạo thêm cú hích để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Bộ trưởng Tài chính George Osborne, khoản bảo đảm của chính phủ trên sẽ giúp giải phóng lượng tiền tư nhân thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng, vốn bị ngưng trệ do những vấn đề liên quan tới thu hút nguồn vốn trong giai đoạn khủng hoảng.

Các dự án cơ sở hạ tầng được nhận khoản hỗ trợ bảo đảm này thuộc nhiều lĩnh vực, bao gồm cả giao thông, năng lượng, viễn thông, giáo dục...

Tuy nhiên, để nhận được bảo đảm tài chính, Chính phủ Anh cũng đã đưa ra một loạt các tiêu chí, trong đó có việc những dự án trên phải được bắt đầu thực hiện trên thực tế trong vòng 12 tháng kể từ khi nhận được hỗ trợ.

Ông Osborne còn cho biết thêm Chính phủ Anh sẽ cung cấp bổ sung 10 tỷ bảng Anh (gần 16 tỷ USD) để bảo lãnh cho các doanh nghiệp xuất khẩu nước này đang gặp khó khăn do sự phục hồi chậm chập của nền kinh tế sau khủng hoảng.

Quyết định hỗ trợ doanh nghiệp được Chính phủ Anh đưa ra sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giảm mạnh mức dự báo của mình về các chỉ số tăng trưởng kinh tế của Anh trong năm nay từ 0,8% xuống còn 0,2%.

Trước đó, Ngân hàng trung ương Anh cũng đã quyết định bơm gói kích thích kinh tế trị giá 50 tỷ bảng Anh (78 tỷ USD).

Tuy nhiên, trong bài trả lời phỏng vấn tờ Điện tín số ra ngày 19/7, Thủ tướng Anh David Cameron cảnh báo rằng tình hình vẫn đang còn "căng thẳng hơn dự kiến," nên chương trình thắt chặt chi tiêu của Chính phủ Anh có thể phải kéo dài qua năm 2020.

Ông cũng không loại trừ khả năng Chính phủ sẽ cắt giảm thuế để tạo cú hích cho tăng trưởng kinh tế.

Nền kinh tế Anh, vốn bị ảnh hưởng nặng nề do cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung, đã rơi trở lại vào suy thoái sau khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) suy giảm 0,2% trong quý đầu năm nay.

Trong khi đó, ngày 18/7, Người phát ngôn Chính phủ Cộng hòa Síp Stefanos Stefanu tuyên bố để bù đắp nhu cầu tài chính từ nay đến cuối năm 2014, nước này chỉ cần gói cứu trợ quốc tế trị giá 4,5 tỷ euro, chứ không phải cần tới 15 tỷ euro, tương đương 61% GDP, như các chuyên gia hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poors nêu ra trong bản báo cáo công bố trước đó.

Chính phủ Síp sẽ báo cáo đánh giá của mình về nhu cầu tài chính đất nước cho các chuyên gia "bộ ba" gồm IMF, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Ủy ban châu Âu (EC), dự kiến quay lại quốc đảo này vào ngày 23/7 để tiến hành đàm phán về số tiền và các điều kiện để Síp nhận được gói cứu trợ quốc tế.

Cùng ngày, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Italy Vittorio Grilli cho biết đến năm 2014, nước này sẽ đóng góp cho Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) 14,33 tỷ euro (17,55 tỷ USD) và trở thành nước thứ ba, sau Đức và Pháp, đóng góp lớn nhất cho cơ chế cứu trợ này.

Ông Grilli bày tỏ lạc quan về tương lai của ESM, bất chấp cơ chế này có thể không chính thức đi vào hoạt động vào tháng Tám tới như kế hoạch đưa ra ban đầu./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục