Tổng thống Pháp họp báo về đối nội và đối ngoại

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tổ chức cuộc họp báo đầu tiên về các chính sách đối nội và đối ngoại, sau 6 tháng lên nắm quyền.
Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 13/11 đã tổ chức cuộc họp báo đầu tiên, rất được trông đợi về các chính sách đối nội và đối ngoại, trước 400 nhà báo Pháp và quốc tế tại Điện Elysee, sau 6 tháng lên nắm quyền.

Thực hiện cam kết từ khi tranh cử, ông Hollande đã hứa tổ chức họp báo sáu tháng một lần nhằm truyền đi thông điệp về công tác quản lý, điều hành chính phủ liên quan đến các vấn đề trong nước, quốc tế được giới truyền thông và người dân Pháp quan tâm.

Tại cuộc họp báo đầu tiên này, trong bài phát biểu đề dẫn dài 40 phút, Tổng thống Hollande đã xác định lại các ưu tiên hành động của ông với tư cách nguyên thủ quốc gia, gồm đưa nước Pháp phục hồi tăng trưởng và giảm tình trạng thất nghiệp; khẳng định đó là mục tiêu, chiến lược, chính sách ưu tiên trong cả nhiệm kỳ 5 năm này.

Tổng thống Hollande cũng nhấn mạnh đến ba ưu tiên trong nhiệm kỳ, hướng châu Âu trở lại đà tăng trưởng; hoàn trả, giảm nợ của Pháp và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

[Tổng thống Pháp bác đề xuất của giới doanh nghiệp]


Ông Hollande kêu gọi tập hợp, đoàn kết nước Pháp, từ giới chủ doanh nghiệp, công đoàn đến thế hệ trẻ nhằm tạo xung lực phục hồi nước Pháp, tập trung thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, đấu tranh chống nạn thất nghiệp, với ưu tiên ký các "hợp đồng thế hệ" dành cho giới trẻ, đồng thời cam kết đến cuối nhiệm kỳ, cuộc sống của lớp trẻ sẽ tốt hơn hiện tại.

Tổng thống Hollande cũng khẳng định quyết tâm thực hiện đường lối đã được định ra là nhằm tìm lại tương lai cho nước Pháp, với lòng tin rằng Pháp có đủ phương tiện để phục hồi tăng trưởng thành công.

Giới báo chí Pháp và quốc tế đã đặt nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề cải cách cơ cấu, trả nợ, thuế giá trị gia tăng, quyền bỏ phiếu của người nước ngoài, đấu tranh chống khủng bố.

Liên quan đến các vấn đề quốc tế, Tổng thống Hollande khẳng định tinh thần đoàn kết với Đức nhằm đưa châu Âu thoát khỏi khủng hoảng.

Ông Hollande cũng tuyên bố Pháp công nhận liên minh dân tộc Syria là đại diện duy nhất của nhân dân Syria.

Về khả năng can thiệp quân sự vào miền Bắc Mali, Tổng thống Hollande cho rằng Pháp và châu Âu sẽ ủng hộ hậu cần, giúp châu Phi đối phó với mối đe dọa ở khu vực này, song Pháp sẽ không can thiệp trực tiếp vào Mali.

Đề cập đến chính sách đối với châu Á, Tổng thống Hollande cho rằng cần phải xây dựng mối quan hệ Âu-Á ngày càng tin cậy và đòi hỏi cao hơn.

Tin cậy vì châu Âu sẽ phải tính tới đà tăng trưởng ngoạn mục của châu Á, đòi hỏi cao hơn vì châu Âu sẽ phải đặt ra những quy tắc về quan hệ thương mại bình đẳng giữa hai bên, về kỷ luật tiền tệ, trước tình trạng thâm hụt cán cân thương mại hiện có, bảo vệ một số lĩnh vực công nghệ của châu Âu.

Ông Hollande nhấn mạnh hiện nhiều nước châu Á đang xem sự phát triển của châu Âu như một mô hình, thậm chí cả khi đang diễn ra khủng hoảng, châu Á cũng quan tâm đến việc Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) có đủ năng lực và giải pháp xử lý khủng hoảng như thế nào để tham khảo về cách thức xây dựng và xử lý trong tiến trình hội nhập khu vực.

Phản ứng ngay sau cuộc họp báo, Bí thư thứ nhất đảng Xã hội (PS) cầm quyền Harlem Désir cho rằng Tổng thống Hollande đã lựa chọn sự dũng cảm, đối diện với thực tế tình hình đất nước cũng như đề cập đến các cải cách đã cam kết.

Ông Hollande đã chỉ ra cho người dân Pháp một đường hướng rõ ràng, quyết tâm hành động để phục hồi tăng trưởng và tạo thêm công ăn việc làm, tạo công bằng xã hội.

Còn Cựu Bí thư thứ nhất PS Martine Aubry hoan nghênh bài diễn văn của Tổng thống Hollande mang tính tập hợp và huy động mọi lực lượng, tầng lớp của nước Pháp, nhấn mạnh ông Hollande đã chỉ ra đường hướng mới cho nước Pháp - đó là hướng châu Âu trở lại đà tăng trưởng, phục hồi sức mạnh quốc gia bằng sự cạnh tranh gắn với kỷ luật ngân sách, tạo lập công bằng về thuế quan và xã hội.

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Pháp François Fillon (Francois Fillon) thuộc đảng cánh hữu đối lập Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) cho rằng những phát biểu của Tổng thống Hollande rất đáng quan ngại, cho thấy năm 2013 sẽ là một năm rất khó khăn.

Trưởng nhóm nghị sĩ Mặt trận cánh Tả tại Quốc hội Pháp Andre Chassaigne cho rằng đường hướng của Tổng thống Hollande rất kiên định, song tỏ ý nghi ngờ các giải pháp đề ra nhằm tìm lối thoát khỏi khủng hoảng, với sức ép tìm kiếm sự đồng thuận xã hội, có thể giúp đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng.

Còn Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Pierre Laurent bình luận rằng chưa tìm thấy câu trả lời cho bất kỳ nỗi lo lắng nào của người dân Pháp và Tổng thống Hollande đã tìm cách tô vẽ lại chính sách khắc khổ thành một chính sách công bằng xã hội./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục