Giới tài chính Anh lo ngại nguy cơ suy thoái kép

Giới chuyên gia tài chính nước Anh khá bi quan về nền kinh tế, 34% trong số họ cho rằng nền kinh tế nước này sẽ suy thoái trở lại.
Sự lạc quan của giới lãnh đạo các tập đoàn tài chính lớn nhất nước Anh đã giảm mạnh trong quý 3/2010 và đứng ở mức thấp nhất trong 18 tháng qua, trong đó 34% số người được hỏi cho rằng nền kinh tế Anh sẽ suy thoái trở lại.

Theo báo Người Bảo vệ (Anh) ngày 11/10, các giám đốc tài chính này có tâm trạng bi quan, giống như lúc tình hình suy thoái kinh tế đang ở thời điểm cao trào vào mùa Xuân năm ngoái, trong khi đó số người tỏ ra lạc quan trong năm nay cũng giảm mạnh, xuống còn 16% so với mức 23% được khảo sát trước đó.

Trên cơ sở kết quả một cuộc khảo sát, Công ty tư vấn doanh nghiệp và kế toán (BDO) đã đưa ra cảnh báo nền kinh tế Anh sẽ ngừng tăng trưởng vào đầu năm tới và sẽ giảm trong quý 2/2011.

Chỉ số lạc quan của BDO cũng đã giảm từ 93,1% trong tháng Tám xuống còn 91,6% trong tháng Chín năm nay, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2009.

Suy thoái kép có thể sẽ làm ảnh hưởng đến các kế hoạch cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế của chính phủ Anh, do các kế hoạch tài chính của nước này được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức 1,1% trong nửa đầu năm nay.

Sau khi GDP tăng mạnh 1,2% trong quí 2/2010, giới phân tích dự báo đà tăng trưởng này sẽ chậm lại, chỉ còn khoảng 0,4% hoặc 0,5% vào mùa Thu này, khi chính phủ tuyên bố chi tiết các chương trình cắt giảm chi tiêu công vào tuần tới.

Cũng theo báo trên, kết qủa điều tra của công ty kiểm toán Deloitte được thực hiện đối với 124 giám đốc tài chính (CFO), trong đó có cả giám đốc tài chính của 35 công ty trong danh sách FTSE 100 và các giám đốc tài chính của các chi nhánh các tập đoàn kinh tế quốc tế lớn ở Anh, cho thấy hầu hết các CFO hiện đều tỏ ra thận trọng và họ đã tiến hành những biện pháp ưu tiên, trước hết là cắt giảm chi phí và tăng dòng tiền mặt.

Tuy nhiên, một phần tư CFO lại có quan điểm ngược lại, họ thực hiện đầu tư vào các dây chuyền sản xuất hoặc đưa ra các dịch vụ mới, mở rộng thị trường hoặc mua lại các công ty khác.

Theo Phó Chủ tịch công ty Deloitte, Margaret Ewing, cuộc khủng hoảng tài chính và tiền tệ dường như đã qua, nhưng những dư âm và hậu quả của suy thoái đang làm cho các giám đốc tài chính phải tỏ ra thận trọng hơn đối với sự phục hồi. Họ phản ứng lại bằng cách cắt giảm những chi tiêu không cần thiết và ngừng thuê thêm nhân công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục