Hội thảo phát triển biển, đảo khu vực miền Trung

Trong hai ngày 10, 11/5, các đại biểu dự hội thảo sẽ làm rõ và đưa ra các giải phát phát triển tiềm năng biển, đảo ở khu vực miền Trung.
Sáng 10/5, Hội thảo khoa học “Khai thác tiềm năng biển, đảo vì sự phát triển bền vững của Quảng Ngãi và miền Trung” do Viện Khoa học xã hội phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tổ chức đã khai mạc tại huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Hội thảo sẽ làm rõ các các chủ đề chính như nhận diện tổng thể tiềm năng biển, đảo Quảng Ngãi và miền Trung; các nhân tố ảnh hưởng tới khai thác tiềm năng biển, đảo; đánh giá thực tiễn khai thác tiềm năng và lợi thế biển, đảo; định hướng và các giải pháp phát triển kinh tế biển, đảo giai đoạn 2011-2020.

Tham dự hội thảo có đại diện các ban, ngành hữu quan của Trung ương, địa phương, cùng gần 100 giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học đến từ các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Trung, đại diện các huyện ven biển, hải đảo của tỉnh Quảng Ngãi.

Trong diễn văn khai mạc hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ miền Trung bao gồm 14 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, bờ biển dài 1.867km với những bãi biển tuyệt đẹp, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như vịnh Vân Phong, bãi biển Lăng Cô, Nha Trang. Nơi đây còn là con đường di sản với những di tích lịch sử, di sản văn hóa quý báu như động Phong Nha-Kẻ Bàng, cố đô Huế, phố cổ Hội An, Mỹ Sơn...Miền Trung có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng đối với Việt Nam.

Các tỉnh miền Trung đều có biển, đảo ở phía Đông, đồng bằng nhỏ hẹp và trung du miền núi ở phía Tây. Chính sự đa dạng về địa hình đã tạo nên sự đa dạng về các điều kiện tự nhiên, khí hậu, văn hóa, xã hội... đó là cơ sở để các tỉnh miền Trung phát triển kinh tế đa dạng, kết hợp giữa kinh tế biển, đảo và kinh tế đất liền.

Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng khẳng định khu vực miền Trung nói chung và Quảng Ngãi nói riêng có ý nghĩa chiến lược về giao lưu kinh tế dọc theo trục Bắc-Nam và hành lang kinh tế Đông-Tây. Rõ ràng biển, đảo với vai trò là chiếc cầu nối quan trọng trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác giữa miền Trung nói riêng và cả nước nói chung với các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Riêng Quảng Ngãi là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, có tiềm năng rất lớn về kinh tế biển, đảo (du lịch, giao thông đường thủy, dịch vụ vận tải biển...), Quảng Ngãi đang hình thành và phát triển nền kinh tế biển, đảo gồm khu kinh tế Dung Quất, cảng nước sâu Dung Quất, khu du lịch và dịch vụ biển; là vùng đất giàu truyền thống lịch sử-văn hóa với những sắc thái văn hóa độc đáo. Tương lai Quảng Ngãi sẽ trở thành một điểm động lực trong phát triển kinh tế-xã hội của khu vực miền Trung và cả nước.

Tuy nhiên, cho đến nay, cả nước nói chung và miền Trung nói riêng vẫn chưa nhận thức một cách đầy đủ về tiềm năng và lợi thế của biển, đảo. Mặc dù đã có ý thức vươn ra biển, đảo khá sớm, nhưng cho đến nay người Quảng Ngãi, người miền Trung vẫn chưa thực sự vươn ra đại dương, chưa hình thành văn hoá hướng ra biển và đại dương.

Theo chương trình, tại hội thảo các đại biểu sẽ nghe các giáo sư, tiến sỹ, các nhà khoa học trình bày hơn 20 bản báo cáo tham luận về những nhận định, đánh giá xác đáng về tiềm năng biển, đảo của Quảng Ngãi và miền Trung... tìm ra phương thức hữu hiệu nhất để khai thác hiệu quả tiềm năng biển, đảo của Quảng Ngãi và miền Trung-một khu vực quan trọng, có tiềm năng to lớn đối với chiến lược phát triển bền vững đất nước.

Hội thảo khoa học quan trọng này dự kiến sẽ tiếp tục đến ngày 11/5./.

Nguyễn Đăng Lâm (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục