ECB quyết sẽ giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0,75%

Nhiều khả năng, ECB sẽ duy trì mức lãi suất 0,75% thời gian tới trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone có dấu hiệu dịu bớt.
Tại cuộc họp đầu tiên của năm 2013 diễn ra ngày 10/1, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định giữ lãi suất chủ chốt ở mức thấp kỷ lục 0,75% chứ không hạ lãi suất xuống mức thấp hơn.

Thêm vào đó, nhiều khả năng, ECB sẽ duy trì mức lãi suất này trong thời gian tới trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) có dấu hiệu dịu bớt.

ECB đi tới quyết định trên sau khi các điều tra kinh tế gần đây cho thấy kinh tế Eurozone sẽ dần hồi phục trong năm 2013.

Tháng trước, ECB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực trong năm 2013 từ +0,5% xuống -0,3%, với nhận định kinh tế khu vực này sẽ dần hồi phục vào cuối năm.

Một số chỉ số về sự lạc quan của các doanh nghiệp, như điều tra các nhà quản lý mua của Eurozone và điều tra 7.000 giám đốc điều hành các doanh nghiệp do viện nghiên cứu Ifo (Đức) tiến hành, gần đây cũng có sự cải thiện.

Tuy nhiên, với tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao nhất kể từ khi đồng euro ra đời năm 1999, kinh tế Eurozone vẫn chưa thoát khỏi suy thoái, tuy tốc độ suy giảm chậm lại.

Ngay sau quyết định của ECB, đồng euro trong phiên chiều 10/1 mạnh lên mức 1,3236 USD, so với 1,3053 USD cuối phiên trước đó, trong khi căng thẳng về lãi suất trái phiếu của Tây Ban Nha và Italy giảm đáng kể trước khả năng cuộc khủng hoảng nợ Eurozone có phần dịu bớt.

Ngày 10/1, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Tây Ban Nha giảm xuống 4,94%, thấp hơn mức cao "nguy hiểm" 7,6% hồi tháng 7/2012, tức là trước thời điểm ECB công bố chương trình mua trái phiếu.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách của ECB, Chủ tịch ECB, Mario Draghi, nói rằng những yếu kém của Eurozone dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2013 và các hoạt động kinh tế sẽ chỉ có thể dần hồi phục vào cuối năm 2013.

Ông thừa nhận các thị trường tài chính có sự cải thiện vượt bậc (với chi phí đi vay giảm và thị trường chứng khoán mạnh lên) trong những tháng gần đây, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để giúp kinh tế khu vực hồi phục.

Để tăng cường sức cạnh tranh và khôi phục đà tăng trưởng, Chính phủ các nền kinh tế Eurozone cần đẩy mạnh cải cách. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, các nỗ lực của chính phủ trong việc giảm nợ thông qua tăng thuế và cắt giảm chi tiêu sẽ gây tổn thương cho nền kinh tế.

Về lạm phát, ECB nhắm tới mục tiêu duy trì lạm phát của Eurozone xấp xỉ 2%. Ông Draghi cho hay tỷ lệ lạm phát đã giảm trong những tháng gần đây như dự báo và ước đoán sẽ giảm xuống dưới 2% trong năm 2013.

Trong khi đó, nhiều nhà kinh tế vẫn hoài nghi về tác dụng của chính sách cắt giảm lãi suất. Về nguyên tắc, lãi suất thấp hơn có thể kích thích kinh tế tăng trưởng, thông qua việc khuyến khích vay mượn, đầu tư và chi tiêu tiêu dùng.

Tuy nhiên, trên thực tế mức lãi suất thấp mà ECB đưa ra đôi khi không được các ngân hàng chuyển đến tay các doanh nghiệp và người dân. Kết quả là chi phí đi vay của các doanh nghiệp tại một số nơi vẫn tăng lên.

Một số nhà kinh tế khuyến nghị ông Draghi có thể tiếp tục bỏ ngỏ khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất để hỗ trợ Eurozone trong trường hợp kinh tế khu vực này trở nên xấu đi hoặc trong trường hợp cuộc khủng hoảng nợ tác động xấu đến thị trường./.

Như Mai (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục