Hợp tác đầu tư phát triển Tiểu vùng Mekong bền vững

Mục tiêu của Diễn đàn Hợp tác đầu tư Tiểu vùng Mekong là trao đổi thông tin, đưa ra các giải pháp thúc đẩy đầu tư, thực hiện mục tiêu phát triển.
Ngày 9/11, tại thành phố Buôn Ma thuột (Đắk Lắk), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam-Lào-Campuchia tổ chức Diễn đàn Hợp tác đầu tư Tiểu vùng Mekong 2012.

Đây là sự kiện thường niên được tổ chức luân phiên tại Việt Nam và các nước trong khu vực.

Nằm trong khu vực Tiểu vùng sông Mekong, Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia là khu vực có vị trí chiến lược trong quan hệ hợp tác phát triển kinh tế nói chung giữa ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia đồng thời là khu vực đang được chính phủ ba nước đặt nhiều quan tâm và có những hành động cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển.

Việc tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư không những góp phần thúc đẩy kinh tế tại từng địa phương trong khu vực mà còn góp phần thắt chặt và nâng cao hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế giữa các thành viên khu vực Tam giác nói riêng và của toàn bộ khu vực với các đối tác nước ngoài nói chung.

Mục tiêu của Diễn đàn Hợp tác đầu tư Tiểu vùng Mekong 2012 là trao đổi thông tin, đưa ra các giải pháp thúc đẩy đầu tư, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế trong khu vực Mekong nói chung, các hành lang kinh tế trong tiểu vùng và khu vực tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia nói riêng.

Trong những năm qua, tình hình hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia tại khu vực đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện Việt Nam có 120 dự án đầu tư sang Campuchia với tổng vốn đầu tư phía Việt Nam trên 2,64 tỷ USD; trong đó có 25 dự án đầu tư nằm trong khu vực Tam giác phát triển thuộc Campuchia, với tổng nguồn vốn đầu tư là 1,44 tỷ USD.

Việt Nam hiện có 218 dự án đầu tư trực tiếp tại Lào với tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến 3,6 tỷ USD; trong đó có 50 dự án đầu tư vào khu vực Tam giác phát triển thuộc Lào với tổng vốn đầu tư là 1,65 tỷ USD.

Nhìn chung, các dự án đầu tư của Việt Nam tại các tỉnh thuộc khu vực Tam giác phát triển của Campuchia, Lào đều tập trung vào khai thác, chế biến tài nguyên thiên nhiên, sử dụng nhiều lao động, thời gian đầu tư dài, vốn lớn, có vị trí địa lý gẫn gũi và điều kiện tương đồng với Việt Nam, chủ yếu là trồng cao su, khai khoáng.

Còn đối với năm tỉnh của Việt Nam thuộc Khu vực Tam giác phát triển, hiện có 129 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ 19 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư lên đến trên 1 tỷ USD; trong đó, Lào có năm dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 77,2 triệu USD; Campuchia có hai dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 18,2 triệu USD.

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ những rào cản và thúc đẩy hợp tác phát triển trong khu vực như các nước cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư đối với địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn và địa bàn kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó các tỉnh thuộc khu Tam giác phát triển nằm trong diện được áp dụng chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư cao nhất.

Các bên cần phối hợp trong việc xây dựng cơ chế, chính sách để ưu tiên thu hút đầu tư từ các nước trong khu vực Tam giác phát triển với nhau để phát huy lợi thế, nội lực của từng nước cũng như cả khu vực.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ trong việc thu hút nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), xúc tiến nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ bên ngoài vào khu vực; nghiên cứu, hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cũng như xuất khẩu hàng hoá bám theo các trục giao thông nối liền giữa các tỉnh trong khu vực ra các cửa khẩu với Việt Nam để xuất khẩu đi theo đường biển, đảm bảo sự phát triển bền vững của cả khu vực Tam giác phát triển cũng như lợi ích của các nước thành viên...

Tại Diễn đàn Hợp tác đầu tư Tiểu vùng Mekong 2012, Ban tổ chức cũng công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 Ba vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long./.

Quang Huy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục