Đội tuyển nữ Việt Nam: Giấc mơ màu bạc?

Vẫn còn nhiều lo lắng với sứ mệnh đòi lại ngôi hậu tại SEA Games 25, khi mà đội tuyển nữ đang có dấu hiệu chững lại về con người và lối chơi.
Nếu nhìn vào những con số của đội tuyển nữ Việt Nam tại vòng sơ loại Asian Cup 2010 thì cảm giác đầu tiên là khá ấn tượng.

Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều điều để lo lắng với sứ mệnh đòi lại ngôi hậu tại SEA Games 25 từ tay người Thái, khi mà đội tuyển của chúng ta đang có dấu hiệu chững lại về con người và lối chơi.
 
Khoảng cách mênh mông “kép chính – kép phụ”
 

Phải thừa nhận rằng ở lần tái xuất thứ 2, Kim Chi đã chơi không tệ chút nào. Phong độ, cùng bản lĩnh kinh nghiệm và những phẩm chất của tuyển thủ từng đoạt 3 Quả bóng vàng Việt Nam là một điểm tựa tinh thần rất tốt cho đàn em.
 
Kim Chi cũng kịp ghi dấu giày với 2 bàn thắng cho đội tuyển; một trong số đó là cú đá phạt đẳng cấp nâng tỷ số lên 5-0 vào lưới Hongkong (Trung Quốc). Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, do gánh nặng tuổi tác, “lão bà” này chỉ còn chạy tốt trong khoảng 45 phút, chưa nói đến đối thủ của chúng ta là Kyrgyzstan và Hongkong (Trung Quốc) chỉ có trình độ khiêm tốn.
 
Nói thẳng ra, sự trở lại của Kim Chi là điều cực chẳng đã, bởi thực tế đội tuyển nữ Việt Nam hiện nay đang có một khoảng cách mênh mông giữa kép chính và kép phụ. Phía sau Kim Chi, còn có Tuyết Mai và Lê Thị Oanh, những tiền đạo đã có thâm niên ăn cơm tuyển, nhưng cho đến bây giờ họ vẫn không vượt ra được cái bóng của đàn chị.
 
Tuyết Mai vừa rồi không được ra sân, và dễ thấy là trong 2 năm qua, Mai gần như dậm chân tại chỗ. Một gương mặt khá triển vọng là Lê Thị Oanh, nhưng Oanh chỉ được vào sân khi Kim Chi sa sút thể lực. Cũng phải nhìn nhận, Oanh là tiền đạo có tố chất, song do có quá ít cơ hội vào sân nên chị vẫn còn non kinh nghiệm.
 
Hàng phòng ngự cũng không có nhiều sự lựa chọn, lo nhất là vị trí của Đào Thị Miện. Bùi Thị Tuyết và cả Hải Hòa đã được thử nghiệm, nhưng có thể thấy trình độ của 2 cầu thủ này vẫn còn khá xa so với Miện. Bàn thua duy nhất của đội tuyển nữ Việt Nam tại vòng sơ loại xuất phát từ sự thay đổi, khi ông Phát rút Miện và đưa Tuyết vào sân.

Điểm sáng của đội tuyển lần này chính là sự xuất hiện của Nguyễn Thị Muôn, tiền vệ này đã chơi khá hay mỗi khi được tung vào sân thay cho Mai Lan.
 
Điều đáng ngại nhất là lối chơi của đội tuyển nữ Việt Nam, bởi gần như suốt cả giải đấu chúng ta chỉ có một bài duy nhất là đánh biên. Theo con số thống kê, hơn 2/3 trong tổng số 17 bàn thắng của đội tuyển nữ Việt Nam đều xuất phát từ biên, nơi án ngữ của Văn Thị Thanh và Kim Hồng. Không hiểu đội tuyển nữ Việt Nam sẽ chơi ra sao, nếu một trong hai đôi cánh này gặp những rủi ro.
 
Đối thủ đang “cao chạy xa bay”…
 
Đối thủ đáng ngại nhất của các cô gái Việt Nam chắc chắn là đội tuyển nữ Thái Lan. Dù trong vài lần đụng độ gần đây, người Thái đều thúc thủ trước chúng ta. Tuy nhiên, nhìn vào dàn cần thủ Thái hiện nay thì không tránh khỏi sự e ngại.

Không những sở hữu một đội hình đồng đều, trẻ, khỏe mà Thái Lan còn chơi thứ bóng đá hiện đại với những mảnh miếng tấn công đa dạng, đầy tốc độ. Các học trò của ông Trần Vân Phát đã từng nếm thử sức trẻ và thúc thủ 0-5 tại vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008.
 
Cái thiếu duy nhất của Thái Lan chính là kinh nghiệm, nhưng trong khoảng thời gian này, Thái Lan đã có được những bước tiến thần tốc và trở thành đối thủ xương xẩu bậc nhất khu vực.
 
Myanmar đang trong giai đoạn giao thời, nhưng đội bóng này vẫn giữ được phong cách và phẩm chất của mình, đó là lối chơi đầy sức mạnh và không ngại va chạm. Chính vì điều này, Myanmar chính là đối thủ “kỵ giơ” có thể ngáng đường đội tuyển nữ Việt Nam.
 
Nhìn sang đối thủ đang tiến không ngừng, quả thật đáng e ngại cho các cô gái Việt Nam. Thời gian cho đến SEA Games vẫn còn đến 5 tháng, mong rằng thầy trò ông Trần Vân Phát sẽ có những bước đột phá mới, để trận chung kết trong mơ không chỉ là màu Bạc./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục