Hàng trăm hộ dân bị mất điện nhiều ngày không lý do

Hàng trăm hộ dân tại xã Xuân Đỉnh và Đông Ngạc, Từ Liêm phải chịu cảnh mất điện nhiều ngày mà không hề được thông báo lý do.
Không thông báo, không lý do, không nhận được bất cứ một lời xin lỗi nào, hàng trăm hộ dân sinh sống tại địa bàn hai xã Đông Ngạc và Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) bỗng dưng phải chịu cảnh mất điện gần ba ngày trời.

Điều đáng nói hơn, đại diện  đơn vị bán điện cho các hộ dân này, Công ty Cổ phần Cơ giới đầu tư và xây dựng Thăng Long khẳng định: Nguyên nhân là do… trạm trung gian của họ quá… hiện đại nên khi gặp sự cố không thể khắc phục ngay được!

Câu chuyện hy hữu về trạm biến áp “hiện đại” bậc nhất trên địa bàn Từ Liêm đã khiến cho gần nghìn nhân khẩu sinh sống dọc trục cầu Thăng Long lâm vào cảnh cười không được, mếu chẳng xong.

Bỗng dưng điện mất

Bắt đầu sáng ngày 30/10, hệ thống điện của khoảng hơn 300 hộ dân sống tại khu A, tổ 10, xã Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội không hiểu vì lý do gì bỗng dưng “tắt ngóm.”

Phản ánh với Vietnam+, anh Nguyễn Văn Lưu trú tại số nhà 48, tổ 10 cho hay: “Vào khoảng 10 giờ sáng, toàn bộ điện đột ngột bị mất. Ban đầu, chúng tôi chỉ nghĩ là mất đột xuất trong thời gian ngắn, nhưng đợi mãi đến cuối giờ chiều vẫn chưa có điện để sinh hoạt.”

Hiện tượng trên không chỉ có ở khu A, tổ 10 Đông Ngạc mà còn xảy ra tại địa bàn thôn Nhật Tảo (Đông Ngạc) và một số khu vực của xã Xuân Đỉnh gần đó.

Điều đáng nói hơn, cho đến sáng 1/11, khi phóng viên có mặt tại khu dân cư, điện vẫn chưa được nối lại. Cũng chính bởi điện mất quá lâu nên toàn bộ sinh hoạt của cộng đồng dân cư đã bị đảo lộn nghiêm trọng.

Bác Lê Thị Hoa (số nhà 49 khu A) cho hay, gia đình bác có cháu nhỏ mới 1,5 tháng tuổi. Do mất điện kéo dài quá lâu nên bác buộc phải mua ngay quạt và đèn tích điện.

“Sáng sáng, tôi lại phải đi lên nhà cô em ở xa để sạc nhờ điện. Cũng may mấy hôm nay mát trời, cháu nhỏ không quấy nếu không chúng tôi cũng chẳng biết phải làm sao.”

Một số hộ khá giả hơn thì dùng hệ thống ắcquy để chạy một số thiết bị chiếu sáng trong nhà.

Cũng theo phản ánh của cộng đồng, hiện tượng điện đột ngột bị mất thường xuyên xảy ra. Nhiều thời điểm nắng nóng, điện mất, nhiều hộ dân lũ lượt kéo nhau thuê nhà nghỉ để… tránh nóng.

Trao đổi với phóng viên, Tổ trưởng tổ dân phố số 10, ông Trần Hậu Tiềm không giấu nổi nỗi bức xúc. Ông Tiềm cho hay, hệ thống điện của khu dân cư này rất không ổn định. Thêm vào đó, các sự cố như cháy, nổ, chập đường dây cũng diễn ra thường xuyên, nhất là khi mưa to, gió lớn.

Nói đoạn, ông Tiềm chỉ ngay ra cột điện trước cửa nhà bảo: Chỉ mấy hôm trước, dây dẫn điện tại đây cũng đã bốc cháy, nhưng không gây thiệt hại lớn.

“Bức xúc nhất là điện thì mất dài ngày, nhưng chúng tôi, hơn 300 hộ của tổ 10 và nhiều hộ dân khác lại không hề nhận được thông báo. Thậm chí khi chúng tôi gọi điện cho đơn vị bán điện là Công ty Cổ phần cơ giới Đầu tư và xây dựng Thăng Long thì cũng chỉ nhận được câu trả lời chung chung là trạm biến áp gặp phải sự cố,” ông Tiềm bức xúc.

Không lý do, không thông báo quá trình khắc phục sự cố, phía cung cấp điện đã “vô tình” đẩy những người dân sống dọc cầu Thăng Long vào cảnh phải thắp nến ngay giữa lòng Thủ đô.
 
Điện mất do trạm biến áp quá hiện đại?

Theo tìm hiểu, đơn vị cung cấp điện cho khoảng hơn 1.000 hộ dân khu vực cầu Thăng Long không phải Điện lực Từ Liêm mà là công ty Cổ phần Cơ giới đầu tư và xây dựng Thăng Long. Công ty này được phép mua điện từ Điện lực Từ Liêm sau đó bán lại cho khoảng 1.000 hộ dân thuộc địa bàn các xã Đông Ngạc và Xuân Đỉnh. Hầu hết khách hàng của họ là cựu công nhân, nhân viên phục vụ xây dựng cầu Thăng Long trước kia.

Bản thân việc cấp điện cho các hộ dân của đơn vị này từ trước đã có nhiều vấn đề đáng bàn.

Ông Trần Hậu Tiềm, tổ trưởng tổ dân phố số 10 cho hay, ngoài việc hệ thống điện thường xuyên gặp trục trặc, chập cháy, trước đây, có thời điểm, giá điện thanh toán hàng tháng còn được phía Thăng Long tự ý “nhân” hệ số 1,1. Tuy nhiên, trước sự phản đối của các hộ dân, cách tính này đã bị bãi bỏ.

Bên cạnh đó, các hộ dân cũng phản ánh việc công ty này không thực hiện quy định về việc đấu nối công tơ cho hộ dân mà hầu hết để các hộ dân tự trang bị lấy.

“Mặc dù vậy, hiện tượng điện mất đột ngột không rõ lý do thì vẫn diễn ra thường xuyên,” ông Tiềm nói.

Riêng về sự cố kéo dài ba ngày bắt đầu từ 30/10, ông Tiềm và đại diện nhiều hộ khẳng định: Họ không hề nhận được sự giải thích nào từ công ty cũng như không hề được biết ngày điện được cấp trở lại.

Trong khi đó, ngược lại với khẳng định của hàng trăm hộ dân, bà Lê Thị Thu Nga, trưởng phòng kinh doanh điện năng của Công ty Cổ phần Cơ giới và xây dựng Thăng Long lại nhấn mạnh việc đã thông báo đến các hộ dân về sự cố lần này.

Cũng theo lời vị trưởng phòng này, chỉ có một số ít hộ không nắm được thông tin do… tổ trưởng các khu dân phố chưa phổ biến cụ thể?

Tuy nhiên, tới tận thời điểm trưa 1/11, tức là ba ngày sau sự cố, theo ghi nhận của chúng tôi tại Phòng hành chính của công ty vẫn có hộ kinh doanh đến bày tỏ sự bức xúc về việc mất điện.

Không chỉ vậy, khi được hỏi về nguyên nhân sự cố, bà Nga đã đưa ra câu trả lời khá chung chung rằng đó là do lỗi của đường dây hạ thế.

Cụ thể, theo giải thích của bà trưởng phòng kinh doanh này, vào khoảng 10 giờ sáng 30/10, do tiếp xúc không tốt nên đã xảy ra chập cháy trên dây hạ thế. Hiện tượng này tiếp tục ảnh hưởng tới tủ biến áp gây ra sự cố mất điện trên diện rộng.

“Trong khi đó, tủ biến áp của chúng tôi là loại tủ hiện đại của Đức nên không có sẵn đồ thay thế,” bà Nga khẳng định.

Bà Nga cho biết, tủ biến áp tại trạm N3 được nhập về cách đây khoảng 10 năm và là loại tủ “hiện đại” bậc nhất nếu so với các tủ khác của ngành điện lực Hà Nội.

Cũng chính vì vậy, nên khi sự cố xảy ra, phía Thăng Long không thể… tự xử lý mà phải mời Điện lực Từ Liêm cùng tham gia khắc phục.

“Lỗi của chúng tôi là đã quá chủ quan khi không dự phòng vật tư. Trước mắt, công ty tạm thời lắp đặt tủ mới để nhanh chóng cấp điện lại cho dân,” bà Nga cho hay.

Trong suốt cuộc trao đổi, bà Nga liên tục nhấn mạnh vào tính hiện đại của hệ thống điện do mình quản lý và phủ nhận những hiện tượng chập cháy thường xuyên như người dân phản ánh.  Bà Nga cho rằng, 2/3 đường dây điện của công ty đã được thay mới, cải tạo. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, hệ thống dây điện chạy riêng tại khu tổ dân phố số 10 đã có dấu hiệu cũ nát, nhiều đoạn dây đan chằng chịt, võng hẳn xuống nhà dân./.

Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục