Sẽ còn gần 10 cơn bão hoạt động trên biển Đông

Theo Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn TW những tháng tiếp theo của mùa mưa bão năm nay còn gần 10 cơn bão hoạt động trên biển Đông.
Trong buổi họp chiều 4/8 về công tác dự báo "Bão số 3- Dự báo và thực tế",  Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết, trong những tháng tiếp theo của mùa mưa bão năm 2011, sẽ còn gần 10 cơn bão hoạt động trên biển Đông.

Trong đó, số cơn bão và áp thấp nhiệt đới có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam còn khoảng từ 3-4 cơn, khả năng tập trung nhiều ở khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ.

Tổng kết về công tác dự báo của Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Trung ương và thực tế của bão số 3 vừa ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, Ông Tăng cũng nhận định về mức độ chủ động dự báo của Trung tâm về thời gian ảnh hưởng của bão từ chiều 27/7 và xác định bão có thể đến sớm hơn trong dự báo của Trung tâm chiều 29/7.

Về mức độ tác động của cơn bão số 3, Ông tăng một lần nữa khẳng định thông tin chính xác về diễn  biến của bão không hề suy yếu trước khi đổ bộ vào đất liền. Theo quan trắc gió của Trung tâm, bão đổ bộ vào đất liền vẫn mạnh cấp 8, cấp 9, tiến sâu vào nội địa bão mạnh cấp 6, giật cấp 7 không phải là áp thấp nhiệt đới.

Mức độ ảnh hưởng của cơn bão này được chứng minh qua những thiệt hại trong báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt báo Trung ương: 3 người chết; 6 tàu bị chìm, hư hỏng; 112 ngôi nhà bị đổ, tốc mái và ngập. Diện tích lúa bị ngập úng là 3.358 ha, 2.721 ha hoa màu bị ngập và hư hại, 320 ha ao cá bị ngập...

Ông Đào Xuân Học- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã đánh giá cao về độ chính xác về hướng đi, cường độ, thời gian và địa điểm đổ bộ của bão số 3 ở khu vực Thanh Hóa- Nghệ An so với các dự báo quan trắc trên ảnh vệ tinh của nước ngoài, góp phần  giảm nhẹ thiên tai cho các tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp.

Theo Giám đốc Trung tâm dự báo Trung ương, diễn biến bão số 3 theo dự báo của Mỹ, Nhật, Bản , Trung Quốc... cường độ, địa điểm đổ bộ của tâm bão vào nước ta thay đổi khá nhiều.

Đêm 29- 30/7, dự báo của Mỹ xác định tâm bão đổ bộ vào Nam Định, trước đó ảnh hưởng trực tiếp khu vực Đèo Ngang. Đến phút cuối, dự báo của Mỹ mới xác định tâm bão đổ bộ khu vực Quỳnh Lưu, Nghệ An.

Dự báo của Nhật, ngày 29/7 xác định bão giật cấp 9, sau 24 giờ sẽ tiến sát biển Thanh Hóa. Đêm 30/7 sẽ đổ bộ vào khu vực miền Bắc./.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương diễn biến cơn bão số 3, từ sáng 26/7 di chuyển vào trong biển Đông.

Đến tối 28/7, cách quần đảo Hoàng Sa 260km về phía đông bắc. Chiều tối 29/7, bão đi vào phía đồng bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc) và di chuyển nhanh theo hướng tây.

Rạng sáng 30/7, bão đi vào vịnh bắc bộ với cường độ mạnh cấp 9, 10. Chiều tối 30/7, bão đổ bộ vào đất liền địa phận Thanh Hóa, Nghệ An rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tan dần trên địa phận nước Lào.

Đặng Thị (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục