QH thảo luận về dự thảo Luật tần số vô tuyến điện

Trong phiên họp sáng 26/10, nhiều đại biểu tán thành cần có quy định riêng về cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện.

Sáng 26/10, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tần số vô tuyến điện, ý kiến của các đại biểu Quốc hội chủ yếu xoay quanh 3 nhóm vấn đề: Chính sách của Nhà nước về tần số vô tuyến điện; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện; thanh tra chuyên ngành này.

Nhiều đại biểu tán thành cần có quy định riêng về cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện, trong đó quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này, có trách nhiệm phối hợp và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện.

Các ý kiến này đồng tình với báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để đảm bảo việc quản lý thống nhất, phân bổ và sử dụng hiệu quả tần số vô tuyến điện, cần có một cơ quan quản lý chuyên ngành có vị trí pháp lý và năng lực kỹ thuật, nghiệp vụ đủ mạnh.

Mặt khác, việc quy định vị trí pháp lý của cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện trong Luật là phù hợp với các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO về minh bạch hóa các chính sách quản lý tài nguyên viễn thông và tần số vô tuyến điện đồng thời đảm bảo sự ổn định lâu dài của cơ quan quản lý chuyên ngành.

Đánh giá dự thảo lần này được sửa đổi, bổ sung chi tiết, cụ thể hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý và hợp tác quốc tế, đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) nhất trí cần có 1 điều riêng quy định cơ quản quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện nhưng giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) lại cho rằng cần quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan này ngay trong Luật để thuận tiện trong thực hiện; giảm tối đa những điều giao cho Chính phủ quy định.

Đồng tình cần thiết quy định cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện trong luật, các đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), Phan Xuân Dũng (Thừa Thiên-Huế) cũng đề nghị cần có một điều riêng quy định về Ủy ban tần số vô tuyến điện với tính chất như một cơ quan điều phối bởi đây là ủy ban có hoạt động liên tục và có tính chuyên môn, tính phối hợp rất cao.

Một số đại biểu khác cũng khẳng định vị trí pháp lý của cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện, tuy nhiên cần xác định rõ trong Luật cơ quan này được tổ chức theo nguyên tắc, hình thức nào; nên quy định với tính chất như một tổ chức tư vấn, còn nếu là cơ quan hành chính thì không cần thiết.

Tuy vậy, một số đại biểu vẫn còn băn khoăn về việc có quy định cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện trong Luật hay không vì Quốc hội chỉ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan mà người đứng đầu do Quốc hội bổ nhiệm là Bộ Thông tin và Truyền thông.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nêu rõ, Dự thảo quy định rõ Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực này, cơ quan chuyên môn là cơ quan chịu trách nhiệm giúp việc cho Bộ. Trong thực tế, cơ quan này cũng đã tồn tại và hoạt động hiệu quả..

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu tiếp tục nghiên cứu thêm vấn đề này. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng sẽ bàn thảo, nghiên cứu về việc quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thuộc Bộ trong luật này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục