Mỹ bị cảnh báo về việc cắt giảm thâm hụt ngân sách

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Christine Lagarde, ngày 3/7 cảnh báo Mỹ về việc cắt giảm thâm hụt ngân sách quá nhanh.
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Christine Lagarde, ngày 3/7 cảnh báo Mỹ về việc cắt giảm thâm hụt ngân sách quá nhanh của Mỹ trong lúc nền kinh tế còn yếu và các nguy cơ suy giảm vẫn gia tăng.

Bà Lagarde cho rằng nguy cơ suy giảm đối với kinh tế Mỹ đang ngày càng lớn, do những sức ép đến từ bên ngoài như khủng hoảng nợ đang có chiều hướng xấu hơn ở Khu vực đồng euro (Eurozone) cũng như những vấn đề nội tại của kinh tế Mỹ liên quan tới trần nợ và tình trạng vướng mắc về ngân sách tài chính. Trong báo cáo hàng năm về nền kinh tế lớn nhất thế giới, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2012 và 2013 của Mỹ xuống các mức tương ứng 2% và 2,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4, chủ yếu do chi tiêu tiêu dùng yếu, trong khi đây là động lực chính của nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, IMF khuyến cáo Mỹ cần phải loại bỏ tình trạng không chắc chắn được tạo ra bởi sự vướng mắc về ngân sách tài chính, được gọi là "vách đá tài khóa", cũng như nâng mức trần nợ để có thể đạt được một mức độ giảm mức thâm hụt ngân sách hợp lý mà không làm ảnh hưởng tới đà phục hồi của nền kinh tế. Sự vướng mắc về ngân sách tài chính ở Mỹ là do hai đảng trong Quốc hội chưa đạt được sự nhất trí về kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách, điều sẽ dẫn tới việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu tự động kể từ ngày 1/1/2013.

Quốc hội nước này hiện vẫn chưa tìm được sự đồng thuận để tránh việc phải thực hiện những biện pháp này và tình hình có thể sẽ không thay đổi trước cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 6/11 tới.

Bà Lagarde nhấn mạnh các vấn đề tài chính và nợ của Mỹ không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng với kinh tế Mỹ mà còn với cả kinh tế toàn cầu. Do đó, nước này cần nâng mức trần nợ vào đầu năm tới để tránh lặp lại những gì đã xảy ra năm ngoái, khi sự bất đồng trong Quốc hội về cũng về vấn đề này đã làm khuấy đảo các thị trường tài chính và khiến nước Mỹ lần đầu tiên bị mất mức tín nhiệm AAA.

Về mức cắt giảm thâm hụt ngân sách, IMF cho rằng đề xuất hạ mức thâm hụt 3 điểm phần trăm xuống 5,5% GDP như đã được đưa ra trong ngân sách năm 2013 là quá nhanh khi nền kinh tế còn phát triển èo uột. Thiết chế này khuyến nghị một con số được cho là phù hợp hơn trong tình hình kinh tế Mỹ hiện nay là 6,25% GDP.

Về tình hình kinh tế Mỹ, trong khi báo cáo đầu tuần này cho thấy hoạt động chế tạo ở nước này trong tháng 6 giảm lần đầu tiên trong gần ba năm, báo cáo việc làm dự kiến công bố vào cuối tuần có thể lại gây thêm thất vọng. Các nhà kinh tế dự đoán số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp sẽ chỉ tăng 90.000 trong tháng 6 và tỷ lệ thất nghiệp sẽ vẫn ở mức 8,2% như trong tháng 5. Những số liệu này có thể là điều bất lợi cho Tổng thống Barack Obama trong nỗ lực vận động tái tranh cử của ông./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục