Triển khai nghiêm túc việc góp ý Dự thảo Hiến pháp

Việc lấy ý kiến của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, công khai, dân chủ.
Ngày 6/3, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về việc lấy ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết tính đến ngày 4/3 đã có 54 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 17 bộ, cơ quan ngang bộ gửi báo cáo về tình hình tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Việc lấy ý kiến được các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, công khai, dân chủ, bám sát Kết luận của Hội nghị Trung ương 2 và Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Kế hoạch của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Chính phủ...

Các đối tượng lấy ý kiến rất phong phú, đa dạng. Các bộ, ngành, địa phương đôn đốc việc tổ chức lấy ý kiến, không để các đối tượng xấu lợi dụng đợt sinh hoạt chính trị dân chủ này để chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, quá trình triển khai lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp gặp một số khó khăn như trùng với thời gian các bộ, ngành, địa phương tập trung cao triển khai công tác năm 2013, dịp nghỉ Tết Nguyên đán...

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp đối với đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn do địa hình cách trở nên sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đối tượng còn hạn chế.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng đề nghị các địa phương cố gắng đảm bảo thời hạn hoàn thành báo cáo tổng hợp ý kiến vào ngày 15/3 để gửi đến Ban Chỉ đạo. Đối với việc tiếp tục thu thập ý kiến đóng góp của nhân dân sau ngày 31/3, Ban Chỉ đạo sẽ báo cáo Thủ tướng để điều chỉnh kế hoạch để các bộ, ngành, địa phương có phương án thực hiện.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai, sau hơn hai tháng lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đã có trên 3.000 lượt tin, bài phản ánh trên báo, đài của Trung ương về chủ đề này, tạo hiệu ứng cao trong xã hội.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhìn chung các bộ, ngành, địa phương đã quán triệt, tổ chức triển khai nghiêm túc, khẩn trương Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, với nhiều cách làm hay, sáng tạo, thuyết phục, đa dạng, đầy đủ, nhằm tổng hợp mọi ý kiến của nhân dân thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau. Qua đó, việc góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trở thành một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cả trong và ngoài nước.

Phó Thủ tướng chỉ đạo thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần bám sát các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và hướng dẫn của Chính phủ để tiếp tục tổng hợp ý kiến nhân dân. Công tác tổng hợp cần đảm bảo đầy đủ, khách quan, trung thực.

Các bộ, ngành, địa phương chú trọng hơn nữa việc lấy ý kiến của các nhà khoa học, trí thức, quản lý để góp phần xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp chặt chẽ, chính xác, có giá trị lâu dài; đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về việc lấy ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội./.

QV (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục