Tranh của đại danh họa Goya đến Việt Nam

Chiều ngày 3/10, một sự kiện lớn về mỹ thuật diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đó là việc triển lãm 46 bức tranh đồ họa đen trắng có tên Thảm họa chiến tranh của đại danh họa thế giới người Tây Ban Nha Francisco de Goya y Lucientes (1746 – 1828). Sau ngày kết thúc triển lãm (15/11), 34 bức tranh trong bộ tranh này sẽ được ông Hans Guggenhem, (chủ sở hữu bộ sưu tập trên) tặng lại cho Việt Nam…

Chiều ngày 3/10, một sự kiện lớn về mỹ thuật diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đó là việc triển lãm 46 bức tranh đồ hoạ đen trắng có tên Thảm hoạ chiến tranh của đại danh hoạ thế giới người Tây Ban Nha Francisco de Goya y Lucientes (1746 – 1828). Sau ngày kết thúc triển lãm (15/11), 34 bức tranh trong bộ tranh này sẽ được ông Hans Guggenhem, (chủ sở hữu bộ sưu tập trên) tặng lại cho Việt Nam…

Có lẽ khi nghe bộ tranh khắc Thảm hoạ chiến tranh của danh hoạ Goya sẽ đến triển lãm ở Việt Nam, rất nhiều người, nhất là những người trong giới đều náo nức chờ xem. Bởi lẽ, đó khong chỉ là một sự kiện lớn về văn hoá, chứng tỏ sự giao lưu văn hoá quốc tế của nước nhà không chỉ còn là cái “bình thông nhau” một chiều nữa, mà còn là sự kiện rất quan trọng của ngành mỹ thuật, vì khán giả có cơ hội xem trực tiếp bản gốc tranh của một đại danh hoạ thế giới, mà bình thường, phải sang tận Mỹ mới có thể xem được (Ông tiến sĩ Hans Guggenhem, người sở hữu bộ sưu tập này, thuộc dòng họ Guggenhem – một dòng họ giàu có sở hữu bốn bảo tàng nghệ thuật tư nhân cỡ hàng đầu thế giới. Bảo tàng lớn nhất nằm tại Mỹ. Chiều 4/10, ông sẽ khai mạc triển lãm tranh riêng của mình tại Gallery Mai, 3B Phan Huy Chú- HN)

Người ít quan tâm đến mỹ thuật (với tâm lý “kỷ lục Guiness” cái gì to mới đáng nể) khi xem bộ tranh này trực tiếp có thể thất vọng, bởi mỗi bức tranh “khắc nóng” (chỉ kỹ thuật khắc bằng axit trên tấm đồng) này chỉ nhỏ cỡ trung bình khổ 15 – 20cm. Nhưng phải nhìn những chuyên gia về đồ hoạ, thư pháp gia Việt Nam như hoạ sĩ Lê Huy Tiếp, nhà phê bình Phan Cẩm Thượng, hoạ sĩ Lê Quốc Việt… nhìn đắm đuối những bức tranh nhỏ bằng bìa một cuốn sách bình thường ấy, và nghe họ giải thích tại sao, thì mới rõ nó giá trị của nó thế nào…

Họa sĩ đồ hoạ Lê Huy Tiếp rất xúc động. Ông kể rằng ông đã từng xem phiên bản của bộ tranh tại Nga. Năm 1971, ông từng vẽ loạt bốn tác phẩm đồ hoạ đen trắng về chiến tranh Việt Nam theo phong cách ảnh hưởng từ bộ tranh Thảm hoạ chiến tranh của Goya. Giá trị của bộ tranh Thảm hoạ chiến tranh (Goya còn một bộ tranh khắc rất nổi tiếng khác, khái quát tâm lý con người tên là Những ý thích bất chợt) , theo ông Tiếp không chỉ là sự thống nhất biểu tỏ thái độ và tình cảm của danh hoạ từ tên tranh, kỹ thuật đồ hoạ hoàn hảo cho đến nội dung miêu tả, mà nó còn là tuyên bố chống lại cái ác từ sự mất lý trí của con người dẫn đến hậu quả tàn bạo thế nào. Đó là lời cảnh báo cho toàn nhân loại vẫn còn nguyên ý nghĩa cho đến nay.

Bộ tranh khởi nguồn từ sự chứng kiến tận mắt của Goya về những thảm hoạ của nhân dân Tây Ban Nha trước cuộc chiến tranh chiếm đóng của Napoleon năm 1808. Trước hết, nó là một bộ “phóng sự ảnh” về lòng hận thù và say máu của con người bị đẩy lên cùng cực. Mỗi tên tranh là một câu nói, một câu hỏi, đau đáu lòng người xem. Ví dụ như bức tranh số 32 miêu tả ba tên lính (đeo gươm) giết một người bằng cách treo cổ lên cây, nhưng do cành cây thấp quá không treo được, chúng bèn hè nhau đạp vai và kéo chân nạn nhân để chết cho mau. Bức tranh có tên: “Tại sao?”

Đến nay đã được gần hai trăm năm kể từ những bản khắc đầu tiên của bộ tranh ra đời. Đã có bao cuộc chiến với quy mô khủng khiếp hơn nhiều cuộc chiến đã vào tranh Goya ấy xảy ra. Hai trăm năm đã qua, ai có đủ khả năng trả lời được câu hỏi hoang mang thống thiết vọng đến trời xanh của hoạ sĩ: “Tại sao?”

Vũ Lâm (TT&VH)
 

Tin cùng chuyên mục