Tập trung vốn cho những công trình cấp bách

Để đầu tư có hiệu quả, tránh dàn trải, Chính phủ cần ưu tiên tập trung cho những dự án, công trình giao thông, thủy lợi cấp bách.
Tiếp tục Phiên họp thứ 21, sáng 17/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Phương án sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ bổ sung năm 2009 và Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh chính sách thu ngân sách đối với số lợi nhuận bất thường có được của nhà thầu dầu khí do giá dầu thô biến động tăng.

Tăng cường giám sát, kiểm tra các dự án thực hiện bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ


Cho ý kiến về phương án sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ trong năm 2009, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ nên tăng cường giám sát, kiểm tra các dự án thực hiện bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, đồng thời cần tập trung vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án, công trình có hiệu quả, đã có khối lượng hoàn thành, tiến độ triển khai nhanh để sớm đưa vào sử dụng trong năm 2009.

Theo Tờ trình của Chính phủ, tổng số vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung kế hoạch năm 2009 là 20.000 tỷ đồng, dự kiến bố trí cho các dự án ngành giao thông 8.300 tỷ đồng; thủy lợi 4.200 tỷ đồng; y tế 2.000 tỷ đồng; giáo dục 5.500 tỷ đồng.

Theo Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, Chính phủ đã phân giao vốn trái phiếu Chính phủ cho từng bộ, ngành, địa phương đúng mục tiêu, đúng Nghị quyết của Quốc hội, chú trọng bố trí cho các mục tiêu về giao thông, thủy lợi, kiên cố hóa trường lớp, học, xây dựng nhà công vụ cho giáo viên miền núi, vùng xa, nâng cấp bệnh viện tuyến huyện, một số bệnh viện chuyên khoa.

Chính phủ cũng tích cực chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, cho phép tạm ứng vốn một số công trình trọng điểm quốc gia, góp phần chống suy giảm kinh tế, kích cầu đầu tư, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng còn rất nhiều dự án giải ngân chậm. Đến tháng 5/2009, kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ mới giải ngân đạt hơn 5.300 tỷ đồng, bằng 18,4% kế hoạch giao. Công tác chuẩn bị đầu tư, đền bù, giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công còn rất chậm, dẫn tới khả năng hấp thụ nguồn vốn thấp.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và các đại biểu đều nhất trí cho rằng để đầu tư có hiệu quả, tránh dàn trải, Chính phủ cần ưu tiên tập trung cho những dự án, công trình giao thông, thủy lợi cấp bách, nhất là ở các địa phương nghèo, kinh tế chậm phát triển; đồng thời tập trung bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình đã có khối lượng hoàn thành, triển khai nhanh, sớm phát huy hiệu quả ngay trong năm 2009; kiên quyết loại bỏ những dự án không đủ thủ tục, kém hiệu quả.

Cân nhắc việc xác định tỷ lệ điều tiết thu ngân sách bổ sung với dầu thô


Các đại biểu đều nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc ban hành chính sách thu ngân sách đối với phần lợi nhuận bất thường có được của nhà thầu dầu khí do giá dầu thô tăng dưới dạng Nghị định. Tuy nhiên, Chính phủ cần dự báo số lượng các hợp đồng, dự án sẽ được ký kết chịu sự điều chỉnh của Nghị định này.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng dầu khí là lĩnh vực đặc thù, việc chỉ điều chỉnh nguồn thu thông qua chính sách thuế không đảm bảo tính linh hoạt, kịp thời trong điều kiện giá dầu biến động thường xuyên, liên tục tăng như hiện nay.

Nếu sửa đổi thường xuyên, liên tục các đạo luật về thuế sẽ ảnh hưởng đến tính ổn định của chính sách thuế, của hệ thống pháp luật về thuế. Vì vậy, trong điều kiện nền kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, trong khi chưa ban hành được luật, pháp lệnh quy định vấn đề thu phụ thu, việc ban hành văn bản dưới luật, pháp lệnh để quy định về thu ngân sách đối với phần lợi nhuận bất thường của nhà thầu khí do giá dầu thô biến động tăng là hợp lý.

Theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị chỉ thu bổ sung đối với các dự án được ký kết từ khi Nghị định có hiệu lực thi hành, không thu đối với các hợp đồng được ký kết trước khi văn bản có hiệu lực thi hành và các hợp đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về vấn đề này, có ý kiến đề nghị cần cân nhắc thời điểm, đối tượng áp dụng và nên quy định theo hướng áp dụng quy định về thu bổ sung đối với mọi nhà thầu tham gia các hợp đồng khai thác dầu mỏ tại Việt Nam, không phân biệt thời điểm ký kết hoặc phê duyệt. Bởi chính sách thu bổ sung được ban hành nhằm mục đích điều tiết lợi nhuận có được do giá dầu tăng bất thường.

Việc không thu bổ sung đối với các hợp đồng đã ký kết hoặc các hợp đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mà chỉ thu đối với các hợp đồng được ký kết sau khi văn bản có hiệu lực thi hành sẽ tạo sự không công bằng giữa các dự án, giữa các nhà thầu, dẫn đến sự “so sánh” về quyền lợi, tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng, khó thu hút các nhà đầu tư mới.

Một số ý kiến cho rằng, việc xác định tỷ lệ điều tiết 50% và mức biến động tăng giá dầu thô là 20% như Tờ trình của Chính phủ là hợp lý. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hợp lý trong tỷ lệ điều tiết, đảm bảo lợi ích quốc gia, đề nghị cần tính toán kỹ tăng mức điều tiết, vừa tăng thu cho Ngân sách Nhà nước, vừa đảm bảo cho nhà thầu nước ngoài có được khoản lợi nhuận phát sinh bất thường ở mức hợp lý.

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng và một số đại biểu khác đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về mức biến động tăng giá từ 20% trở lên.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng trong điều kiện giá dầu biến động bất thường như hiện nay, việc chỉ điều tiết đối với phần giá dầu cao trên 20% là chưa hợp lý. Trong trường hợp giá dầu có tăng nhưng chỉ thu từ mức biến động từ 20% trở lên thì số thu điều tiết vào Ngân sách Nhà nước sẽ không lớn. Chính phủ cần cân nhắc có thể áp dụng thu bổ sung khi mức giá dầu thô biến động tăng thấp hơn 20%./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục