Đánh giá tình hình tham nhũng có ý nghĩa phòng ngừa

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đánh giá đúng, chính xác tình hình tham nhũng có ý nghĩa trong phòng ngừa.
Chiều 30/9, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận và cho ý kiến các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án; đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2010 và báo cáo công tác năm 2010 của Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các báo cáo của Chính phủ và Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, nhận định rằng các báo cáo này đã đủ điều kiện trình Quốc hội khóa XII tại kỳ họp thứ tám sắp tới.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng: trong năm 2010, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã có nhiều cố gắng, giải quyết một khối lượng công việc lớn trên các lĩnh vực nói trên, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội. Kết quả này có phần đóng góp của các cơ quan tư pháp khác bên cạnh Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Tuy nhiên, tình hình xã hội vẫn có nhiều vấn đề đáng lo ngại. Nhiều vấn đề xã hội trước đây hầu như không xảy ra giờ đã trở thành nghiêm trọng như giết người, bạo lực với trẻ em, bạo lực học đường, tai nạn giao thông, mặc dù đã có những biện pháp xử lý quyết liệt nhưng tình hình chưa thay đổi, kể cả tình trạng chống người thi hành công vụ; khu vực nông thôn, miền núi cũng gia tăng tệ nạn xã hội.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần tập trung phân tích, làm rõ hơn những mặt hạn chế, đánh giá rõ hơn tình hình vi phạm pháp luật; không thể quy nguyên nhân chỉ từ mặt trái của cơ chế thị trường…

Đồng thời, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đối với báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2010 thể hiện trên các mặt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

Xây dựng hoàn thiện thể chế; kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh hoạt động của bộ máy các ban chỉ đạo và các đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng; về kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; về công tác thanh tra kiểm toán Nhà nước, giải quyết khiếu nại, tố cáo; về việc phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng; về phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, cũng được thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tỉnh với báo cáo thẩm tra.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng việc đánh giá đúng đắn, chính xác tình hình tham nhũng hiện nay có ý nghĩa quan trọng trong việc đề ra các chính sách, biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý phù hợp, có hiệu quả.

Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình với đề nghị của Ủy ban Tư pháp là Chính phủ cần khẩn trương xây dựng và ban hành tiêu chí đánh giá về tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng một cách khoa học, thực tiễn, khách quan nhằm bảo đảm tính chính xác và tạo sự thống nhất trong đánh giá, nhận định.

Kết quả của hoạt động giám sát và thẩm tra cho thấy tình hình tham nhũng nhìn chung vẫn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, trong khi đó công tác phát hiện và xử lý còn ít, chưa tương xứng với tình hình và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý rằng cho đến nay về thể chế chính sách trên nhiều lĩnh vực vẫn chưa đồng bộ, thống nhất, còn nhiều sơ hở, bất cập nhất là trong các lĩnh vực đầu tư, dự án xây dựng, đấu thầu, quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài sản công, cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản, hoạt động của các tập đoàn kinh tế Nhà nước…

Việc chậm sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực này do nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức trong hoạch định chính sách còn hạn chế, trách nhiệm chưa cao; tổ chức, con người chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ.

Dư luận xã hội còn băn khoăn về tính khách quan trong việc tham mưu xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật và cho rằng có biểu hiện cục bộ trong việc bảo vệ lợi ích của một nhóm người.

Những bất cập trên đây đã được các đại biểu Quốc hội phát biểu, chất vấn tại nhiều kỳ họp, các phương tiện thông tin đại chúng nêu ra nhưng cho đến nay vẫn chưa kịp thời khắc phục. Một số quy định hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống tham nhũng không còn phù hợp với thực tiễn vẫn chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc một số văn bản cần được ban hành mới để phúc đáp yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhưng chậm được ban hành…

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận định: qua các báo cáo, đặc biệt là báo cáo của Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao thấy khối lượng và áp lực công việc rất lớn, cần phân tích, làm rõ trách nhiệm của ngành và nhà nước. Không thể để một thẩm phán giải quyết 5-7 vụ/tháng được, ở nước ngoài có thể có thẩm phán giải quyết 4-5 vụ/tháng nhưng đằng sau là hàng chục người, còn ở Việt Nam thiếu người giúp.

Các cơ quan chức năng cần thống kê, báo cáo, kiến nghị để Chính phủ, Quốc hội biết có hướng khắc phục. Có ý kiến cho rằng số lượng phát hiện các vụ vi phạm có xu hướng giảm, nhưng giữa số lượng các vụ việc đã tìm ra và thực tế tình hình liệu có khác biệt./.

Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục