Tài trợ vốn cho doanh nghiệp thời hậu lạm phát

Các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp Việt Nam đã tham dự hội thảo "Tài trợ vốn cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hậu lạm phát và suy giảm kinh tế", tổ chức ngày 20/3, tại Hà Nội.

Các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp Việt Nam đã tham dự hội thảo "Tài trợ vốn cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hậu lạm phát và suy giảm kinh tế", tổ chức ngày 20/3, tại Hà Nội.

Hội thảo do trường Đại học Kinh tế quốc dân đã phối hợp với Dự án hợp tác nghiên cứu với Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS), Diễn đàn phát triển Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo kết quả nghiên cứu về việc đảm bảo nguồn vốn cho các doanh nghiệp Việt Nam trên cơ sở khảo sát hơn 200 doanh nghiệp tiêu biểu và 20 ngân hàng thương mại, tiến hành từ tháng 12/2008 đến 2/2009.

Báo cáo chỉ rõ, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp phải khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn trong cả 3 giai đoạn biến đổi của chính sách tiền tệ (thắt chặt, bắt đầu nới lỏng, nới lỏng và hỗ trợ lãi suất) từ đầu năm 2008 đến nay.


Báo cáo cũng nêu rõ các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn hơn các doanh nghiệp lớn; doanh nghiệp nhà nước dễ tiếp cận vốn hơn các doanh nghiệp thuộc loại hình sở hữu khác; các doanh nghiệp thuần nội địa khó vay vốn hơn các doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường quốc tế; doanh nghiệp là đối tượng cuối cùng chịu tác động của suy giảm kinh tế và khi lãi suất tăng ngay lập tức các ngân hàng áp dụng mức lãi suất cao cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi lãi suất giảm, lãi suất cho vay giảm chậm hơn nhiều. Phần lớn các doanh nghiệp cho rằng chính họ (chứ không phải hệ thống ngân hàng) đã gánh chịu toàn bộ rủi ro của thị trường tài chính - tín dụng. Ngay trong giai đoạn hiện nay vẫn có gần 21% doanh nghiệp gặp khó khăn khi vay vốn và hiện vẫn có doanh nghiệp phải vay với lãi suất 21%.

Bên cạnh đó là những khó khăn mới ngày càng chồng chất như thị trường suy giảm, doanh thu, lợi nhuận giảm, nhất là những ngành có xuất khẩu.


Phát biểu tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng hiện nay đang tồn tại một bất cập lớn là ngân hàng thừa vốn nhưng doanh nghiệp lại thiếu vốn do những vướng mắc trong cơ chế. Nhà nước đã nới lỏng các quy định nhằm tăng lượng cung vốn tới thị trường nhưng các ngân hàng thương mại tỏ ra hết sức thận trọng trong việc cho vay.

Trong bối cảnh suy giảm kinh tế, lượng khách “dưới chuẩn'' được vay ngày càng nhiều hơn. Nghịch lý này sẽ càng rõ nếu không có những chính sách tháo gỡ phù hợp ở cả tầm vĩ mô và vi mô.

Đáng lưu ý là trên cơ sở các khảo sát thực tế, các báo cáo khoa học trình bày tại hội thảo đã đưa ra những nhận định và đánh giá bước đầu về hiệu quả gói kích cầu của Chính phủ, đồng thời đề xuất những điều chỉnh thời gian tới. Cụ thể, kích cầu qua hình thức hỗ trợ lãi suất vay dẫn đến khó tránh khỏi tình trạng đảo nợ; khó giải quyết được thất nghiệp vì các doanh nghiệp sa thải lao động chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất, gia công và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; các thủ tục hành chính và khó khăn về thế chấp sẽ làm chậm quá trình giải ngân nguồn vốn.

Giáo sư Kenicho Ohno, Giám đốc GRIPS cho rằng với quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, sẽ hiệu quả hơn nếu Việt Nam lựa chọn các hình thức kích cầu không quá phức tạp như giảm thuế, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vẫn đang duy trì được lực lượng lao động.

Tất cả các kết quả nghiên cứu, khảo sát khoa học và đề xuất tại hội thảo sẽ được tập hợp để trình lên các cơ quan chức năng xem xét, thể hiện sự chung vai, sát cánh của giới khoa học, các trường đại học trọng điểm đối với các vấn đề kinh tế-xã hội trọng tâm của quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục