Hàng triệu người khốn cùng vì giá lương thực tăng

Báo cáo mới nhất của ADB nêu rõ giá lương thực toàn cầu leo thang có nguy cơ đẩy hàng triệu người dân châu Á vào cảnh khốn cùng.
Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) ngày 26/4 công bố báo cáo, trong đó nêu rõ việc giá lương thực toàn cầu leo thang, đặc biệt với mức tăng kỷ lục trong hai tháng đầu năm 2011, có nguy cơ đẩy hàng triệu người dân châu Á vào cảnh khốn cùng.

Báo cáo có tên Lạm phát giá lương thực toàn cầu và châu Á đang phát triển.

ADB cho rằng việc giá nhiều mặt hàng lương thực chủ yếu ở nhiều nước châu Á tăng nhanh và kéo dài kể từ giữa năm 2010, cộng với giá dầu thô hồi tháng Ba đạt mức tăng cao nhất trong vòng 31 tháng qua, đang tạo ra bước thụt lùi nghiêm trọng cho khu vực vốn phục hồi một cách nhanh chóng và mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Theo ADB, lạm phát giá lương thực nội địa tại nhiều nền kinh tế châu Á đã ở mức 10% đầu năm 2011. Trong khi đó, theo nghiên cứu của ADB, mức tăng 10% giá lương thực nội địa tại khu vực châu Á đang phát triển, với số dân 3,3 tỷ người, có thể đẩy thêm 64 triệu người vào tình cảnh khốn cùng, với mức thu nhập 1,25 USD/ngày.

Báo cáo của ADB cũng cho rằng nếu giá lương thực và dầu mỏ thế giới tiếp tục tăng cho đến cuối năm 2011, tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á có thể giảm 1,5%.

ADB lưu ý về ngắn hạn, giá lương thực sẽ tiếp tục leo thang, trong khi thị trường ngũ cốc "tụt dốc". Điều này tương tự như điều đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng năm 2007-2008, bao gồm cả việc gia tăng nhu cầu lương thực từ các nước đang phát triển, cạnh tranh tiêu thụ ngũ cốc, thu hẹp đất nông nghiệp, canh tác trì trệ.

Theo báo cáo trên, sản lượng giảm sút do các nguyên nhân như thời tiết xấu, đồng USD yếu, giá dầu cao hay việc nhiều nước cấm xuất khẩu các mặt hàng lương thực chủ chốt, là nguyên nhân khiến giá cả leo thang kể từ tháng 6/2010, trong đó giá nhiều mặt hàng tăng ở mức 2 con số như lúa mì, ngũ cốc, đường, dầu ăn, các sản phẩm sữa và thịt.

Giá cả tiếp tục leo thang còn do hiệu ứng của hiện tượng thời tiết La Nina kéo dài.

ADB cho biết chính phủ các nước châu Á đã áp dụng nhiều biện pháp ngắn hạn nhằm giảm bớt tình trạng lạm phát giá lương thực, trong đó có việc bình ổn giá cả.

Tuy nhiên, theo ADB, nhu cầu lương thực gia tăng từ khu vực châu Á đang phát triển và năng suất thấp buộc các nhà hoạch định chính sách cần tập trung cho các giải pháp dài hạn nhằm ngặn ngừa một cuộc khủng hoảng trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục