Việt Nam nỗ lực giảm nhẹ gánh nặng bệnh lao

Theo ông Giampaolo Mezzabbotta, Chuyên viên chương trình Phòng chống lao và Bệnh phong thuộc văn phòng của WHO tại Việt Nam, tỷ lệ phát hiện bệnh lao (CDR) ở Việt Nam thường xuyên được duy trì ở mức trên 80% từ năm 2000 và 82% năm 2007, cao hơn so với mục tiêu 70% mà WHO đề ra cho mỗi nước trong cuộc đấu tranh loại trừ căn bệnh này.

Theo ông Giampaolo Mezzabbotta, Chuyên viên chương trình Phòng chống lao và Bệnh phong thuộc văn phòng của WHO tại Việt Nam, tỷ lệ phát hiện bệnh lao (CDR) ở Việt Nam thường xuyên được duy trì ở mức trên 80% từ năm 2000 và 82% năm 2007, cao hơn so với mục tiêu 70% mà WHO đề ra cho mỗi nước trong cuộc đấu tranh loại trừ căn bệnh này.
 
“Tỷ lệ chữa khỏi lao ở Việt Nam cũng rất đáng kể, với hơn 90% trong những năm vừa qua. Cũng trong lĩnh vực này, Việt Nam lại vượt mục tiêu của WHO đề ra về tỷ lệ chữa khỏi bệnh,” ông Mezzabbotta nói.

“Chính phủ Việt Nam đang thực sự nỗ lực kiểm soát bệnh lao bằng việc cung cấp một phần lớn ngân sách cho Kế hoạch Phát triển Giữa kỳ 2007-2011 của Chương trình chống lao quốc gia (NTP) và trả lương cho nhân viên tham gia chương trình,” ông nói.
 
Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Phó viện trưởng Viện lao và các bệnh về phổi, cho biết chương trình điều trị lao cơ bản theo hóa trị ngắn ngày có kiểm soát (DOTS) đã bao phủ 100% dân số toàn quốc với nguồn kinh phí từ chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế như chính phủ Hà Lan, WHO, Kế hoạch Khẩn cấp Giảm nhẹ AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ (PEFAR) và nhiều đối tác khác.
 
Chương trình chống lao quốc gia đã xây dựng được một hệ thống mạng lưới chống lao trên toàn quốc, mở rộng hoạt động điều trị tới nhóm người đặc biệt như tù nhân và người vô gia cư.
 
Theo tiến sỹ Nhung, để tăng cường hiệu quả điều trị có giám sát trực tiếp, Việt Nam sẽ có chương trình hỗ trợ tất cả các bệnh nhân nhiễm lao về tư vấn, giám sát, động viên điều trị. Đối tượng ưu tiên mà chương trình hướng tới là những người vô gia cư, người ra trại tiếp tục điều trị lao, người nhiễm cả lao và HIV.
 
Chương trình cũng sẽ huy động sự tham gia, hỗ trợ của cộng đồng thông qua xây dựng mô hình câu lạc bộ của Hội nông dân, hỗ trợ lương thực, thực phẩm và làm giúp công việc nhà cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.
 
Tuy nhiên, ông Nhung cũng cho rằng nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống lao đang đứng trước nguy cơ bị đẩy lùi do những thách thức mới như tình hình đồng nhiễm lao/HIV và tình trạng nhiều chủng vi khuẩn lao kháng thuốc đang gia tăng, bên cạnh những khó khăn vốn có như thiếu hụt nguồn nhân lực tại các tuyến, đặc biệt là tuyến cơ sở, thiếu hụt kinh phí và kỹ thuật.
 
Ông cũng cho biết ở Việt Nam tỷ lệ lao đa kháng thuốc ở những bệnh nhân mới phát hiện là 2,7% và ước tính khoảng 3.500 trường hợp lao đa kháng thuốc mới xuất hiện hàng năm. Việt Nam là 1 trong 27 nước có tình hình lao đa kháng thuốc cao trên thế giới, đồng thời cũng có tên trong danh sách các nước có bệnh nhân lao siêu kháng thuốc (XDR TB).

Nhân ngày Thế giới Phòng chống lao 24/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam – quốc gia hiện đang đứng thứ 12 trong 22 nước có gánh nặng bệnh lao lớn nhất trên toàn cầu, củng cố hệ thống y tế trong nước để tăng cường hiệu quả phòng chống căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.
 
Theo WHO, bệnh lao là một vấn đề y tế công cộng cần có sự nỗ lực của toàn cầu. Riêng năm 2006 trên thế giới có khoảng 14,4 triệu bệnh nhân lao các thể, 9,2 triệu bệnh nhân lao mới, trong đó có 4,1 triệu bệnh nhân lao phổi AFB (trực khuẩn kháng acid) dương tính mới. Trung bình có khoảng 1,7 triệu người tử vong hàng năm do lao.
 
Theo WHO, số ca nhiễm lao mới được phát hiện hàng năm Việt Nam ước tính lên tới 150.000 ca, tức là khoảng 171/100.000 dân./.
 
Hồng Nhung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục