WB nâng dự báo tăng GDP của Trung Quốc lên 10%

Ngân hàng Thế giới ngày 3/11 đã nâng mức dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc năm 2010 từ 9,5% lên 10%.
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 3/11 đã nâng mức dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc năm 2010 từ 9,5% lên 10%.

Trong báo cáo Cập nhật Hàng quý về kinh tế Trung Quốc (CQU), WB dự báo tăng trưởng GDP vào năm 2011 sẽ chậm xuống còn 8,7% và lắng dịu hơn nữa ở mức trung hạn. Do chịu tác động của giá thực phẩm cao, nên lạm phát của nước này có thể vượt trên mục tiêu 3% trong một thời gian.

Tăng trưởng của Trung Quốc lắng dịu do hoạt động đầu tư, tiêu dùng ở thành thị và nhập khẩu chậm lại trong bối cảnh tác động của việc Bắc Kinh giảm dần gói kích thích kinh tế và bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Theo dữ liệu mà Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hồi tháng trước, tỷ lệ tăng trưởng GDP của nước này đã chững lại ở mức 9,6% riêng trong quý 3 nhưng vẫn đạt 10,6% trong 9 tháng đầu năm.

WB cho biết triển vọng kinh tế Trung Quốc là tươi sáng nhưng nguy cơ vẫn hiện hữu.

Nhà kinh tế học cao cấp của WB tại Trung Quốc, Louis Kuijs cho biết: "Tăng trưởng của Trung Quốc có thể lắng dịu thêm chút nữa vì tăng trưởng toàn cầu chậm lại và quan điểm kinh tế học vĩ mô đã bình thường trở lại song nó vẫn được hỗ trợ bởi những động lực tăng trưởng truyền thống và thị trường lao động lớn mạnh."

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc hồi tháng Chín tăng tới 3,6% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong vòng 23 tháng qua.

Nhà kinh tế học hàng đầu của WB tại Trung Quốc Ardo Hansson nhận định sự bình thường trở lại của quan điểm kinh tế học vĩ mô là cần thiết để cảnh giác trước những nguy cơ mang tầm vĩ mô.

Theo CQU, thanh khoản quốc tế là một thách thức đối với chính sách tiền tệ của Trung Quốc nhưng thách thức này ở Trung Quốc có thể được điều chỉnh tốt hơn so với các thị trường mới nổi khác.

Nhà kinh tế học Kuijs cho biết Trung Quốc sẽ phải đối mặt với hai thách thức chính trong 5 năm tới là thực hiện tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và chất lượng của mô hình tăng trưởng kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục