Việt Nam trong số 19 nước thiếu vitamin A nặng

Tổ chức Y tế Thế giới xếp Việt Nam vào danh sách 19 nước trên thế giới có tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở mức độ nặng.
Tổ chức Y tế Thế giới xếp Việt Nam vào danh sách 19 nước trên thế giới có tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở mức độ nặng (trên 10% trẻ dưới 5 tuổi). Đây chính là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, tử vong và giảm tăng trưởng ở trẻ em.

Đó là thông tin được khẳng định tại "Hội nghị triển khai Ngày vi chất dinh dưỡng năm 2010," do Bộ Y tế tổ chức ngày 31/5 ở Hà Nội.

Vi chất dinh dưỡng (vitamin A, i-ốt, sắt...) là những thành tố quan trọng cho phát triển thể chất, tăng trưởng và trí tuệ. Thiếu vitamin A gây mù dinh dưỡng, tăng nguy cơ tử vong, kìm hãm sự phát triển thể lực, trí tuệ. Thiếu sắt gây thiếu máu dinh dưỡng, làm giảm khả năng lao động, khả năng học tập và tăng bệnh tật.

Thiếu i-ốt gây bệnh đần độn, kém phát triển trí tuệ, ảnh hưởng đến bào thai. Ở Việt Nam, bệnh cảnh lâm sàng thiếu vi chất dinh dưỡng đã được ghi nhận từ khá lâu như bệnh bướu cổ do thiếu i-ốt, tê phù do thiếu vitamin B1 và còi xương do thiếu vitamin D.

Phó giáo sư-tiến sĩ Lê Thị Hợp, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở Việt Nam đã giảm từ 38,7% (năm 1999) xuống 18,9% (năm 2009), đạt được mục tiêu đề ra về giảm suy dinh dưỡng cân nặng trước hai năm so với kế hoạch.

Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ em được uống vitamin A trong nhiều năm qua luôn đạt trên 95% và là một trong những can thiệp được tổ chức và triển khai hiệu quả vì sức khỏe trẻ em. Tuy nhiên, Việt Nam còn phải đối mặt với vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi và những thiếu hụt về vi chất dinh dưỡng ở trẻ em, trong đó có thiếu vitamin A, thiếu sắt, tiếu i-ốt...

Sự thiếu hụt của các vi chất dinh dưỡng là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát triển về tầm vóc của trẻ em và người Việt Nam trong tương lai. Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, ngành y tế cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục và hướng dẫn cộng đồng thực hiện cải thiện bữa ăn, khuyến khích sử dụng các thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng và sử dụng muối i-ôt; cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu; ăn bổ sung hợp lý và cho trẻ uống vitamin A liều cao 2 lần/năm theo hướng dẫn; thực hiện vệ sinh, tẩy giun sán.

Riêng phụ nữ có thai nên uống viên sắt axit folic càng sớm càng tốt; viên đa vi chất dinh dưỡng cũng đang được sử dụng cho phụ nữ có thai ở các vùng đặc biệt khó khăn.

Ngày vi chất dinh dưỡng năm 2010 nhằm góp phần nâng cao nhận thức của mỗi gia đình về dinh dưỡng hợp lý, an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hành bổ sung vitamin A, viên sắt cho trẻ em và bà mẹ. Trong hai ngày (1-2/6), trẻ từ 6-36 tháng tuổi trên cả nước được uống vitamin A liều cao.

Ở các vùng khó khăn, độ tuổi uống thuốc được mở rộng cho trẻ em từ 6-60 tháng tuổi và kết hợp với tẩy giun cho trẻ từ 24-60 tháng tuổi. Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông giáo dục, cân đo đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em; tư vấn cho các cặp vợ chồng mới cưới và phụ nữ mang thai về việc ăn uống đủ dinh dưỡng và uống thêm viên sắt/folic cũng được triển khai trên toàn quốc./.

Thu Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục