Chứng khoán châu Á lẫn Âu tiếp tục bị "bán tháo"

Các thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục giảm sâu trong khi các thị trường ngày càng lo ngại về triển vọng một cuộc suy thoái mới.
Sau phiên "bán đổ bán tháo" trên các thị trường châu Âu và Mỹ trong phiên trước (18/8), các thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục giảm sâu trong phiên cuối tuần ngày 19/8 trong bối cảnh các thị trường ngày càng hoang mang và lo ngại về triển vọng một cuộc suy thoái mới có thể sẽ lan từ châu Âu và Mỹ ra khắp toàn cầu.

Các nhà dầu tư trên toàn châu Á tiếp tục tháo chạy khỏi thị trường trong bối cảnh tất cả các sàn chứng khoán tại châu Âu và Mỹ bị "dìm trong sắc đỏ" trong phiên 18/8, giá vàng thì "phi như điên" và liên tục lập các đỉnh cao mới, trong khi trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lại giảm xuống mức thấp kỷ lục mới.

Tiếp sức cho cuộc tháo chạy này còn là tin xấu "nội tại" về kinh tế Trung Quốc - động lực chính cho sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Các nhà kinh tế của ngân hàng Đức Deutsche Bank vừa đưa ra cảnh báo rằng, chính sách siết chặt tiền tệ của Trung Quốc sẽ khiến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này có thể sẽ chậm lại trong năm nay và cả năm tới, chỉ còn lần lượt là 8,9% và 8,3%, so với mức tăng 10,3% của năm 2010.

Tất cả các thị trường trong khu vực, từ lớn đến nhỏ, đều đồng loạt giảm điểm. Tại Tokyo, chỉ số Nikkei-225 giảm xuống còn 8.719,24 điểm, ngoài những tin xấu bên ngoài, còn do đồng yen vẫn tiếp tục mạnh lên, khiến các nhà xuất khẩu nước này "thiệt đơn thiệt kép."

Tại Hongkong và Trung Quốc, màu đỏ cũng bao trùm với chỉ số Hang Seng của Hongkong giảm 3,08% (- 616,35 điểm), xuống 19.399,92 điểm; trong khi Shanghai Composite của Trung Quốc lùi 0,98% (25,11 điểm) về 2.534,36 điểm.

Tại Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 cũng giảm 3,51% (149,3 điểm) xuống 4.101,9 điểm. Các thị trường khác như Philippines, Đài Bắc, New Zealand cũng đều giảm, với các mức giảm lần lượt là 1,44%; 3,57% và 0,56%.

Thiệt hại nặng nhất trong khu vực vẫn là thị trường chứng khoán Hàn Quốc khi chỉ số KOSPI của nước này để mất tới 115,70 điểm (6,22%), xuống 1.744,88 điểm, trong đó dẫn đầu là các cổ phiếu của các nhà xuất khẩu Hàn Quốc như Samsung Electronics và Hyundai Motor.

Châu Âu cũng mở phiên cuối tuần ngày 19/8 trong sắc đỏ với các cổ phiếu ngành ngân hàng dẫn đầu về mất điểm. Các thị trường trong khu vực nối dài đà giảm điểm từ phiên trước và vào sáng 19/8, tất cả các thị trường vẫn đi xuống, với London giảm tiếp 1,95%; Đức lùi thêm 3,21%, Pháp mất 2,81%, Tây Ban Nha hạ 2,71% và Italy bốc hơi 2,13%.

Phiên hôm trước (18/8), chứng khoán ở cả hai bờ Đại Tây Dương cũng đã chìm sâu trong sắc đỏ khi các thị trường đón nhận một loạt tin xấu từ nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ, cộng thêm những bất ổn mới từ hệ thống ngân hàng châu Âu, vào lúc cuộc khủng hoảng nợ công ở Âu, Mỹ vẫn còn trầm trọng.

Đóng cửa phiên 18/8, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều sụt giảm mạnh, trong đó Dow Jones để mất 419,63 điểm (tương ứng 3,68%) xuống 10.990,58 điểm, S&P 500 lùi 53,24 điểm (4,46%) xuống 1.140,65 điểm, trong khi Nasdaq Composite chịu tổn thất nặng nề nhất khi để mất 131,05 điểm (5,22%) xuống 2.380,43 điểm.

Khởi điểm của sự lao dốc là tin từ Morgan Stanley cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm hơn so với dự báo trước đây, còn kinh tế Mỹ và châu Âu có khả năng sẽ rơi vào một cuộc suy thoái mới - hai năm sau khi cuộc suy thoái lần trước kết thúc. Thêm vào đó là một loạt thông tin xấu khác từ nền kinh tế Mỹ như thị trường việc làm xấu đi trong tuần trước, doanh số bán nhà sụt giảm, lạm phát gia tăng,...

Tại châu Âu cùng ngày, sự sụt giảm còn thê thảm hơn khi tất cả các thị trường trong khu vực đều đồng loạt mất điểm, trong đó cả ba chỉ số chính là FTSE 100 của Anh, CAC 40 của Pháp và DAX của Đức đều giảm mạnh, với các mức giảm tương ứng là 4,49%; 5,48% và 5,82%./.

Thùy Chi (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục