Khủng hoảng ảnh hưởng tới giáo dục tại nước nghèo

Liên minh Vận động Giáo dục toàn cầu cảnh báo, khủng hoảng tài chính đã làm trì trệ thành tựu giáo dục cho trẻ em tại các nước nghèo.
Liên minh Vận động Giáo dục toàn cầu cảnh báo, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã làm trì trệ những thành tựu giáo dục cho trẻ em tại các nước nghèo.

Cảnh báo này được đưa ra trước thềm cuộc họp các nhà lãnh đạo thế giới trong khuôn khổ Liên hợp quốc, sẽ diễn ra trong tuần này, để đánh giá về nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Theo khảo sát tại 60 nước nghèo nhất thế giới của Liên minh gồm hơn 100 tổ chức này, trên thế giới hiện còn khoảng 69 triệu trẻ em không được đến trường. Tuy nhiên, nếu tất cả trẻ em được trang bị những kỹ năng học vấn dù là cơ bản nhất, thì sẽ có khoảng 171 triệu người có thể thoát khỏi nguy cơ nghèo đói.

Chủ tịch Liên minh, Kailash Satyarthi thẳng thắn đánh giá: "Nếu các nhà khoa học có thể nghiên cứu thực phẩm biến đổi gien và NASA có thể đưa người lên sao Hỏa, thì các chính trị gia cũng phải tìm ra cách giúp hàng triệu trẻ em được đến trường và thay đổi triển vọng tương lai cho các em."

Mười năm trước, Liên hợp quốc đã nhất trí đề ra 8 Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, trong đó đặt mục tiêu tới năm 2015 tất cả trẻ em có thể hoàn tất phổ cập giáo dục tiểu học và xóa bỏ tình trạng chênh lệch giới tại tất cả các cấp độ giáo dục.

Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown đồng thời là một thành viên cấp cao của Liên minh Vận động Giáo dục toàn cầu cho biết: "Nếu ngân sách giáo dục không được bảo vệ khỏi những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, thì mọi nỗ lực đạt được có nguy cơ 'đổ sông đổ bể' và các thế hệ tương lai có nguy cơ rơi vào đói nghèo."

Báo cáo của Liên minh ước tính, khu vực Tiểu Sahara châu Phi sẽ bị mất 4,6 tỷ USD/năm kinh phí dành cho giáo dục do những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Điều đó có nghĩa kinh phí cho mỗi trường tiểu học sẽ bị giảm 13%.

Báo cáo đề xuất một số giải pháp khắc phục tình trạng này như các nước nghèo cần giành 20% ngân sách cho giáo dục, trong khi các quốc gia giàu có cần tăng gấp đôi kinh phí viện trợ giáo dục cơ bản cho các nước nghèo lên 8 tỷ USD vào năm 2011./.

Việt Khoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục