BRICS đang khẳng định vị thế trên bàn cờ quốc tế

Với thế mạnh riêng của 5 nước thành viên, sức mạnh và ảnh hưởng của BRICS sẽ ngày càng tăng lên, cả trong kinh tế lẫn chính trị.
Hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) tại Tam Á, đảo Hải Nam (Trung Quốc), đã đạt được đồng thuận trong nhiều vấn đề tài chính và kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trải qua những thay đổi phức tạp và sâu sắc, vai trò của BRICS ngày càng được nâng cao và kỳ vọng. Vì thế, các nước BRICS cần tăng cường đối thoại và hợp tác nhằm thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã nói rằng chất lượng và khả năng bền bỉ của tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào việc các nền kinh tế BRICS thực hiện các biện pháp mạnh ra sao.

Các nhà lãnh đạo BRICS cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính gần đây bộc lộ những bất hợp lý về trật tự của hệ thống tiền tệ hiện nay, trong đó đặc biệt lấy đồng USD làm trụ cột. Theo các nhà lãnh đạo này, thế giới cần có một hệ thống tiền tệ dự trữ quốc tế trên cơ sở rộng rãi để bảo đảm sự ổn định và vững chắc.

Các nhà lãnh đạo BRICS cũng xem xét lại vai trò toàn cầu của "Quyền rút vốn đặc biệt" (SDR) của IMF và tài sản dự trữ mà một số chuyên gia cho rằng có thể phát triển thành công cụ để thay thế một phần đồng USD. Tuy nhiên, BRICS chưa đề cập vấn đề liệu đồng Nhân dân tệ nên tham gia SDR hay không, mà họ chỉ hoan nghênh việc thảo luận thành phần của "rổ" tiền dự trữ.

Mặc dù các nền kinh tế mới nổi đã giành được tiếng nói lớn hơn trong IMF, nhưng các nhà lãnh đạo IMF cho rằng vị thế của họ chưa vẫn chưa tương xứng.

Theo Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, cần cải tổ các tổ chức tài chính quốc tế để thúc đẩy trật tự kinh tế toàn cầu. Các nhà lãnh đạo BRICS cũng kêu gọi các tổ chức tài chính quan tâm hơn đến những rủi ro từ các nguồn tiền khổng lồ qua biên giới.

Các nhà lãnh đạo BRICS đã đạt được sự nhất trí trong nhiều vấn đề như phục hồi kinh tế thế giới, cải cách hệ thống tài chính toàn cầu, cải tổ cơ chế hoạt động của Ngân hàng Thế giới (WB), ngăn chặn biến động giá nông sản và hàng hóa, tăng cường trao đổi và hợp tác về công nghiệp, thương mại, khoa học, công nghệ và nông nghiệp, thúc đẩy hơn nữa các hoạt động điều phối và đối thoại nội khối.

Vai trò và ảnh hưởng của BRICS đã không ngừng được mở rộng trong những năm qua và ngày càng phát huy vai trò là đầu tàu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới. Theo thống kê của IMF, đến cuối năm 2010, nhóm BRICS chiếm 18% GDP toàn cầu và 42% dân số thế giới.

Tập đoàn tài chính và ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ từng nói rằng “câu lạc bộ 5 nước” này có thể trở thành 4 trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2032. Đó là triển vọng dài hạn. Còn trong ngắn hạn, với mức tăng trưởng thương mại nội khối vào khoảng 28% mỗi năm và hiện đã lên tới 230 tỷ USD, BRICS được cho là nhóm những nước đầu tiên vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Đúng như nhận định của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, BRICS là “một cơ chế độc nhất vì ở đó có sự hội tụ của sức mạnh kinh tế, sự ảnh hưởng chính trị và tiềm năng phát triển."

Với một Brazil phát triển mạnh về nông nghiệp; một nước Nga xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới; một Ấn Độ với trình độ phát triển công nghệ thông tin và kho tri thức khổng lồ; một Trung Quốc với nguồn nhân lực dồi dào, tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới và dự trữ ngoại tệ khổng lồ; cùng một Nam Phi có nền kinh tế lớn nhất châu Phi, sức mạnh và ảnh hưởng của BRICS sẽ ngày càng tăng lên. Ảnh hưởng đó không chỉ được thể hiện trong lĩnh vực kinh tế mà còn trên bàn cờ địa chính trị thế giới./.

Vũ Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục