"Phải từng bước cơ cấu lại thị trường tài chính"

Diễn biến tình hình thị trường trong những tháng cuối năm 2009 và đầu năm 2010 có những dấu hiệu đáng lo ngại như áp lực tái lạm phát cao, biến động tỷ giá, lãi suất... tạo nên tâm lý lo lắng về sự bất ổn kinh tế vĩ mô năm 2010. Theo tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đã đến lúc phải từng bước cơ cấu lại thị trường tài chính, tạo điều kiện để phát triển bền vững, loại dần những nguy cơ tiềm ẩn gây bất ổn kinh tế vĩ mô, phục hồi niềm tin của nhà đầu tư hướng vào các hoạt động dài hạn.
Diễn biến tình hình thị trường trong những tháng cuối năm 2009 và đầu năm 2010 có những dấu hiệu đáng lo ngại như áp lực tái lạm phát cao, biến động tỷ giá, lãi suất... tạo nên tâm lý lo lắng về sự bất ổn kinh tế vĩ mô năm 2010.

Theo tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đã đến lúc phải từng bước cơ cấu lại thị trường tài chính, tạo điều kiện để phát triển bền vững, loại dần những nguy cơ tiềm ẩn gây bất ổn kinh tế vĩ mô, phục hồi niềm tin của nhà đầu tư hướng vào các hoạt động dài hạn.

Mất cân đối nghiêm trọng

Nhìn vào các số liệu thống kê có thể thấy ngay được tình trạng mất cân đối nghiêm trọng trên thị trường tài chính hiện nay.

Giai đoạn 2001-2005, nền kinh tế Việt Nam phục hồi sau tác động của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, tốc độ tăng GDP bình quân 7,5%/năm. Trong giai đoạn này, tổng dư nợ tín dụng ngân hàng tăng trung bình 23-24%/năm. Tình hình diễn ra tương đối bình thường trong năm 2006 (GDP tăng 8,3%; dư nợ tín dụng tăng 24%).

Nhưng từ 2007, hiện tượng bất thường đã xảy ra: Tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng đột biến và thậm chí ngược chiều với tốc độ tăng GDP. Năm 2007: GDP tăng 8,6%, tín dụng tăng 53,4%; Năm 2008: GDP tăng 6,4%, tín dụng tăng 27,6%; Năm 2009: GDP tăng 5,3%, tín dụng tăng 37,3%.

Theo ông Lịch, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trước hết là do bong bóng của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản từ cuối năm 2006 đến cuối năm 2007 đã gây đột biến thị trường tín dụng. Chính điều này đã làm hình thành lượng tài sản ảo so với nền kinh tế thực (sự chênh lệch giữa tài sản tài chính với tài sản thực) mà lạm phát trong hai năm 2007-2008 đã san bằng khoảng chênh lệch đó bằng một mặt bằng giá mới.

“Mức tăng tín dụng các năm đó không tạo tăng tài sản thực tương ứng của nền kinh tế mà chỉ biểu hiện ở GDP danh nghĩa. Mặt khác, nhập siêu tăng đột biến trong 3 năm qua cũng làm tăng tổng cung tiền (quan hệ hàng-tiền) nhưng do nền kinh tế gia công, tỷ trọng giá trị giá tăng trong cơ cấu giá trị hàng hóa thấp nên dù tăng khối lượng tiền tệ nhưng không làm tăng GDP (ước khoảng 70-80% giá trị nhập siêu vật tư, nguyên liệu, máy móc thiết bị chỉ chuyển hóa vào giá trị xuất khẩu, chứ không làm tăng trực tiếp GDP),” ông Lịch phân tích.

Một nguyên nhân nữa, cũng theo ông Lịch, là 3 năm qua, đặc biệt là trong 2 năm 2008-2009, thị trường chứng khoán chủ yếu hoạt động thứ cấp, vốn hoạt động của hầu hết doanh nghiệp dựa vào hệ thống ngân hàng thương mại.

Giai đoạn mất cân đối cung-cầu vốn này cũng là thời kỳ một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ đua tranh làm bùng nổ tín dụng, làm rối thị trường tín dụng khiến cho chính sách tiền tệ phải liên tục đối phó ngắn hạn, nguy cơ bất ổn tăng cao.

“Trong bối cảnh đó, cộng thêm tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến sự mất niềm tin của nhà đầu tư nên cả chứng khoán vốn lẫn chứng khoán nợ trên thị trường chứng khoán đều bế tắc. Ngân hàng thương mại ‘một mình một chợ’. Lợi nhuận ngân hàng thương mại tăng, nhưng rủi ro của cả hệ thống và yếu tố bất ổn kinh tế vĩ mô không giảm mà chỉ chuyển hóa hình thức mà thôi,” ông Lịch nhấn mạnh.

Trong khi đó, để thúc đẩy tăng GDP khu vực đầu tư công bao gồm đầu tư ngân sách nhà nước và doanh nghiệp nhà nước tăng nhanh, một khối lượng tín dụng khá lớn đã bị “ hút” vào; trong đó một phần bội chi ngân sách dựa vào tín dụng và của Ngân hàng Nhà nước. Ngay cả trái phiếu của Chính phủ cũng dựa chủ yếu vào ngân hàng thương mại, phần huy động trực tiếp từ công chúng chiếm tỷ trọng nhỏ.

Tiến sĩ Trần Du Lịch nhận định, “từ mọi thành phần kinh tế lẫn ngân sách nhà nước đều dựa chủ yếu vào hệ thống NHTM. Một khối lượng tiền khá lớn dựa vào khu vực này, nhưng do tiến độ đầu tư kéo dài, thiếu đồng bộ nên không tạo ra khối lượng tài sản tương ứng, kéo chậm vòng quay của đồng tiền”.

Vì vậy, ông cho rằng, vấn đề đặt ra hiện nay là phải sử dụng cả chính sách tài chính và tiền tệ để định hướng cho thị trường tài chính cấu trúc lại cũng như buộc các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phải tái cơ cấu tài chính, phát huy chức năng huy động vốn trực tiếp của thị trường chứng khoán.

Tái cấu trúc: Không thể chần chừ

Từ những nhận định và phân tích trên, tiến sĩ Trần Du Lịch kiến nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu đầy đủ cấu trúc và động thái của thị trường tài chính nước ta trong giai đoạn từ 2006 đến nay, bao gồm: Nghiên cứu cấu trúc tài chính doanh nghiệp (đặc biệt doanh nghiệp nhà nước), cấu trúc nguồn vốn đầu tư của ngân sách nhà nước.

“Các nghiên cứu này sẽ phục vụ cho việc xây dựng chính sách tài chính-tiền tệ theo hướng chuyển dần chức năng cung cấp nguồn vốn trung-dài hạn từ hệ thống ngân hàng thương mại sang các định chế tài chính-tín dụng phi ngân hàng và tạo điều kiện để phát triển thị trường sơ cấp trong hoạt động của thị trường chứng khoán,” ông Lịch cho hay.

Theo ông, Chính phủ cũng nên hạn chế thấp nhất việc bảo lãnh tín dụng, cho vay lại từ nguồn vay của ngân sách đối các dự án đầu tư kinh doanh đồng thời buộc doanh nghiệp tư huy động vốn bằng chính năng lực của mình.

“Chúng ta cần giảm việc đánh giá hiệu quả đầu tư các dự án bằng sự nhận xét chủ quan của mình mà để chức năng đó cho thị trường. Đối với các dự án đầu tư cần thiết cho nền kinh tế nhưng hiệu quả tài chính thấp, thì Nhà nước hỗ trợ theo phương thức tài trợ một phần dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng chịu trách nhiệm huy động vốn là của chính doanh nghiệp (Thành phố Hồ Chí Minh đã làm cách này đối với các dự án xã hội hóa y tế, giáo dục, di dời ô nhiễm... từ năm 2000 đến năm 2006),” ông Lịch nói.

Mặt khác, việc nghiên cứu áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp tăng vốn thông qua việc phát hành chứng khoán trên thị trường và các doanh nghiệp mua bán-sáp nhập (M&A) để cấu trúc lại tài chinh cũng là điều cần phải tính đến song song với chuyển dần chức năng tài trợ tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo mục tiêu hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp bắt đầu khởi nghiệp, các dự án đầu tư mạo hiểm.

Hơn nữa, chứng khoán hóa một số sản phẩm của thị trường bất động sản, tạo kênh dẫn giữa thị trường vốn với thị trường bất động sản cũng là cách thiết thực để minh bạch hóa các dự án bất động sản trên thị trường chứng khoán, nghiên cứu thí điểm cho ra đời định chế “Quỹ đầu tư tín thác bất động sản” (REIT) để chuyển dần sự đầu tư cá nhân thị trường bất động sản sang đầu tư của tổ chức và minh bạch hóa sự đầu này.

Chính phủ cần sử dụng chính sách thuế như là công cụ để khuyến khích sự ra đời và mở rộng tầm hoạt động của các định chế tài chính-tín dụng phi ngân hàng; vai trò của các quỹ đầu tư, công ty đầu tư, công ty tài chính...đối với hoạt động của thị trường vốn (trung-dài hạn).

Về lĩnh vực ngân hàng, ông Lịch cho hay, cần áp dụng các biện pháp mạnh thuộc chức năng của mình để kiềm chế sự phát triển thái quá của các ngân hàng thương mại cổ phần, bao gồm việc huy động tiền gửi, tăng lượng cho vay, cơ cấu cho vay, chất lượng tín dụng.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục