Ổn định ngắn hạn

"Khả năng dòng tiền có thể ổn định trong ngắn hạn"

Sau hai phiên tăng mạnh thanh khoản, thị trường đang được nhìn nhận khá lạc quan, dòng tiền dự báo sẽ ổn ít nhất là từ 4 đến 5 phiên nữa.
Hai phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10, thị trường chứng khoán bất ngờ chuyển động, theo đó, thanh khoản trên cả hai sàn tăng rất mạnh.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 28/10, chỉ số trên cả hai sàn tăng khá ấn tượng: HNX-Index tăng 2,16 điểm, áp sát mốc 70 điểm và VN-Index tăng 7,32 điểm, lên mức 422.

Theo đó, sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) có gần 51 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng (tăng 139% so với phiên trước đó) và sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSX) có trên 41 triệu chứng khoán được giao dịch (tăng 90% so với phiên trước đó). Dòng tiền đổ về hai sàn trong phiên đạt trên 1.200 tỷ đồng.

Nhận định về đà hồi phục của thị trường, ông Marc Djandji, Giám đốc Khối phân tích Công ty Chứng khoán Bản Việt, cho rằng thông tin các nhà lãnh đạo châu Âu quyết tâm chấm dứt tình trạng khủng hoảng nợ công khiến tâm lý lạc quan lan đi trên các thị trường Bắc Mỹ và châu Âu. Và ở thị trường Việt Nam, cả hai sàn niên yết cũng đón nhận phiên giao dịch đột phá. Tâm lý hưng phấn cộng với lực mua tăng đã khuấy động tình hình giao dịch trên cả hai sàn.

Sang tới phiên 31/10, mặc dù đà tăng của thị trường có chững lại về cuối phiên, song HNX-Index vẫn giữ sắc xanh, tăng nhẹ 0,27 điểm và chính thức chốt tại mốc kỹ thuật 70 điểm. Tuy nhiên VN-Index lại không được may mắn như vậy, trong đợt giao dịch xác định giá đóng cửa chỉ số này đã bị kéo lùi lại 1,26 điểm và dừng ở mốc chẵn 420 điểm.

Thanh khoản toàn thị trường vẫn giữ được mức ấn tượng, khối lượng chuyển nhượng trên HNX đạt gần 60 triệu cổ phiếu và tại HSX con số tương ứng là 38 nghìn chứng khoán, dòng tiền duy trì được mãnh lực tới 1.250 tỷ đồng.

Trong bối cảnh thị trường khá u ám khi mà thanh khoản có dấu cạn kiệt với mức giao dịch bình quân phiên trên mỗi sàn chỉ đạt quanh mức 20 triệu đơn vị trước đó, thì động thái trên của thị trường trong hai phiên vừa qua đã khiến cho nhiều nhà đầu tư bất ngờ và đặt sự hoài nghi về tính bền vững của dòng tiền.

Với quan điểm thận trọng, ông Ngô Quang Trung, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Hòa Bình, cho rằng dòng tiền “khơi mào” trong hai phiên vừa rồi khó có thể bền vững khi mà các nhà đầu tư cá nhân đã quá hiểu về bản chất của những đợt đánh lên vẫn chủ yếu là hoạt động canh bán giá cao.

Ông Trung đưa ra kịch bản, nếu phiên ngày mai 1/11 thị trường điều chỉnh nhẹ và thanh khoản vẫn giữ ở mức cao thì thị trường sẽ có khả năng lên được một nhịp ngắn tiếp theo, còn trường hợp ngược lại sẽ là tín hiệu xấu và các nhà đầu tư chậm chân sẽ có nguy cơ kẹt lại.

Tuy nhiên ở góc độ khác, ông Lê Phương-Phó phòng môi giới 2, Công ty chứng khoán SME lại cho rằng thị trường đang tạo ra một cơ hội ngắn hạn, bởi sau phiên kiểm tra tâm lý (28/10), thị trường đã nhận được sự cộng hưởng từ phía các nhà đầu tư cá nhân. Áp lực bán trong phiên 31/10 đã tạo ra đợt sóng nhịp nhàng thay vì việc đẩy nhanh như trước đây, và điều này cũng giúp các nhà đầu tư có thể tích lũy dễ dàng hơn khi muốn tham gia vào đợt sóng này.

“Theo tôi, dòng tiền sẽ ổn trên thị trường ít nhất là từ 4 đến 5 phiên nữa và mốc kháng cự kỹ thuật của HNX-Index sẽ là khu vực 72,5 điểm,” ông Phương nói.

Cũng có cái nhìn khá lạc quan, ông Lê Trần Tường Văn, chuyên viên môi giới Công ty chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra nhận định áp lực bán trên thị trường sẽ còn đến giữa phiên ngày mai (1/11) và nếu các thông tin từ thị trường Mỹ không có biến động lớn thì đến cuối phiên thị trường sẽ lấy lại đà phục hồi.

Ông Văn kỳ vọng rằng, tới đây dòng tiền đổ về thị trường chứng khoán sẽ ổn định hơn và tăng dần khi mà các kênh đầu cơ khác như vàng… không còn nhiều hấp dẫn./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục