Nâng cao sản lượng và chất lượng cacao Việt Nam

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến năm 2015 diện tích sẽ cacao đạt 40.000ha, sản lượng đạt 26.000 tấn; cacao đạt chuẩn UTZ.
Hiện nay nhu cầu cacao thế giới tăng từ 3-4%/năm, tương đương với sản lượng tăng từ 100.000-200.000 tấn/năm, nhưng sản lượng cacao của thế giới chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu, đã vậy nguồn cung từ các quốc gia này lại không ổn định.

Đây là cơ hội cho ngành cacao Việt Nam phát triển trong thời gian tới.

Những thành tựu đạt được

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp các tỉnh, tổng diện tích cacao cả nước đến hết năm 2010 đạt 16.725ha, tăng 3.580ha so với năm 2009. Trong đó, có 2.100ha cacao trồng thuần và số còn lại trồng xen với một số cây công nghiệp như dừa, điều, càphê cà cây ăn quả.

Hiện nay, diện tích cho thu hoạch là 7.300ha, chiếm 43,6% tổng diện tích cacao cả nước. Tuy nhiên năng suất bình quân hiện nay của cả nước còn thấp 350kg/ha. Với những nơi đầu tư thâm canh tốt thì cho năng suất 1-2 tấn hạt/ha.

Trong 5 năm qua, các chuyên gia của Ban điều phối phát triển cacao Việt Nam (VCC) nghiên cứu được tám dòng cacao chất lượng cao TD1,TD2, TD3, TD5, TD6, TD8, TD10, TD14 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chính thức công nhận và cho sử dụng rộng rãi trên toàn quốc và năm dòng từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên được tuyển chọn từ các tập đoàn thí nghiệm so sánh giống để tiếp tục khảo nghiệm đánh giá tại các vùng trồng chính trong giai đoạn năm 2010-2015, trong đó năm cây đầu dòng đã được tuyển chọn.

Ông Nguyễn Hoàng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Tiền Giang nhận xét cần phải chọn giống thích hợp cho từng vùng, chẳng hạn như giống TD7 ở Tiền Giang, trồng ngoài nắng trái rất tốt, vỏ mỏng, cho nhiều hạt.

Mặt khác, xu hướng trồng xen canh cây cacao với các cây công nghiệp khác như cây điều, cây dừa, càphê mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo ông Phan Văn Khổng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bến Tre, tỉnh này đã trồng mới gần 1.200ha cacao, nâng diện tích lên 6.800ha.

Dự kiến cuối năm 2011, tỉnh Bến Tre trồng đủ 10.000ha, đến năm 2015 ước đạt 15.000-18.000ha, trong đó xen canh với 53.000ha dừa, tỉnh đang phấn đấu diện tích cacao đạt một nửa diện tích dừa. Đồng thời, tỉnh cũng xem xét đưa ra phương án nuôi cá, tôm xen canh với cây cacao và dừa để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ngoài ra, theo mô hình của trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, tiến sỹ Phạm Hồng Đức Phước cho biết nông dân còn có thể kết hợp trồng cacao và chăn nuôi dê, theo tính toán, trên một ha, có thể nuôi 30 con dê trong vườn cây cacao, thân, lá, trái cacao được dùng làm thức ăn cho dê mà không cần mua thêm thức ăn nào khác, còn phân dê được ủ bón lại cho cây cacao, vừa tiết kiệm chi phí vừa an toàn cho môi trường.

Về thu mua và chế biến xuất khẩu, khoảng 80% sản lượng cacao của Việt Nam được Công ty Cargill Việt Nam thu mua, chế biến và xuất khẩu, số còn lại được các công ty khác thu mua.

Vẫn còn những thách thức

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành cacao Việt Nam đang đứng trước những khó khăn. Theo ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai, hiện nay tỉnh đang trồng xen canh cây điều và cây cacao, cây điều tạo bóng râm cho cacao phát triển, đồng thời tỉnh cũng đang áp dụng biện pháp tưới nhỏ giọt cho hai loại cây này. Nhưng các đối tượng sâu hại và bọ xít muỗi luôn có mặt trên cây điều, vì vậy gây ảnh hưởng tới cây cacao.

Cái khó nữa là đưa cây cacao vào vườn điều bao nhiêu tuổi cho vừa, hoặc nông dân phải mày mò làm từ 400-600 cây, khi cacao phát triển, nếu thấy không thông thoáng thì phải tỉa bớt cacao.

Hơn nữa, về giống cây còn những dòng chưa đạt chất lượng cao, cho trái có vỏ dày hoặc thối trái do nhiễm nấm phytothora, hạt ít,… có những vườn 600 cây chỉ cho trái bằng hột vịt lộn như vườn cacao ở Đắk Mil cho trái lớn nhưng vỏ lại dày.

Về kỹ thuật ghép cây lại không đơn giản, phải mất rất nhiều thời gian, ít nhất là hai năm mới cho ra cây ghép chất lượng, nhưng mỗi mắc ghép chỉ có thể bán với giá 3.000 đồng.

Đã vậy, thương lái tranh mua tranh bán bất chấp chất lượng cacao, có thương lái, công ty mua cả trái xanh. Từ đó ảnh hưởng đến quá trình lên men hạt khô, độ chua hạt khô tăng cao, các chất béo trong hạt bị giảm.

Định hướng cho năm 2015

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết dự kiến đến năm 2015 diện tích cacao đạt 40.000ha, sản lượng đạt 26.000 tấn, đến năm 2020 ước đạt 50.000ha, sản lượng đạt 52.000 tấn.

Đồng thời, Hiệp hội càphê, cacao Việt Nam (VICOFA) triển khai chương trình trồng cacao đạt chuẩn UTZ (Tốt trong ngôn ngữ Maya, Guatemala), đây cũng là một chứng nhận được công nhận toàn cầu yêu cầu đáp ứng ba tiêu chí kinh tế, xã hội, môi trường như tính truy nguyên, tính minh bạch, an toàn thực phẩm, ghi chép, lưu trữ thông tin, tập huấn, giám sát, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ rừng, bảo vệ động vật quý hiếm, chống xói mòn, sử dụng hóa chất có kiểm soát, quyền lao động, an toàn lao động, chăm sóc sức khỏe...

Các chuyên gia khuyến cáo nhà nông nên sử dụng phân sinh học trong việc bón, tưới cho cây cacao, vì các loại phân sinh học có thể giúp cây cacao kháng nấm phytothora gây thối trái (tỷ lệ trái thối chỉ chiếm 4%), chống được bọ xít muỗi (giảm 97% bọ xít muỗi sống trên cây), axít béo tự do chiếm 0,2%, nâng cao số hạt lên 94 hạt/trái.

Về thu hoạch, Trung tâm khuyến nông và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh cần phải khuyến cáo nông dân không nên hái khi trái chưa đủ độ chín, như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cacao lúc lên men. Đồng thời, Sở tăng cường quản lý chất lượng giống cacao để có thể cho sản lượng cao, khả năng kháng bệnh thối trái, chống bọ xít muỗi tốt hơn.

Liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân để tạo vùng nguyên liệu vững chắc cho doanh nghiệp và tạo đầu ra an toàn cho nông dân cũng là vấn đề được xem trọng trong chương trình phát triển cây cacao.

Tiến sỹ Tống Khiêm, Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia nhấn mạnh các cơ quan chức năng các tỉnh cũng cần liên kết vùng nguyên liệu giữa nông dân và doanh nghiệp vì hiện nay mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chưa được chặt chẽ, thương lái còn ép giá nông dân nên nông dân chưa đầu tư công sức cao cho cây cacao.

Xây dựng các cơ sở chế biến có thiết bị, công nghệ hiện đại, đẩy nhanh quá trình xúc tiến thương mại, tăng cường tìm thị trường xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước.

Các chuyên gia đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao thiết bị kỹ thuật trong thời gian tới, tập trung xây dựng các mô hình trình diễn, tập trung vào công tác nghiên cứu chọn lọc giống để nâng cao chất lượng hạt cacao cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu./.

Hồng Nhung (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục