Lãi suất cho vay đã ở mức "lý tưởng"

Từ ngày 5/11, quyết định về cắt giảm lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước mới chính thức có tác dụng, nhưng ngay từ sau khi tín hiệu này được phát đi từ Ngân hàng Nhà nước, một loạt các ngân hàng thương mại đã ngay lập tức công bố hạ lãi suất cho vay, dao động trong khoảng từ 15-16%/năm.

Từ ngày 5/11, quyết định về cắt giảm lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước mới chính thức có tác dụng, nhưng ngay từ sau khi tín hiệu này được phát đi từ Ngân hàng Nhà nước, một loạt các ngân hàng thương mại đã ngay lập tức công bố hạ lãi suất cho vay, dao động trong khoảng từ 15-16%/năm.

Đây được coi là mức lãi suất khá “lý tưởng” cho các doanh nghiệp trong bối cảnh phải chịu lãi suất rất cao trước đó (lên tới 21%/năm).

Lãi suất cho vay ở mức 15-16%

Phát biểu với báo giới chiều ngày 4/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định mặt bằng lãi suất sẽ được điều tiết theo đúng cung-cầu của thị trường và từ nay đến cuối năm sẽ có xu hướng giảm dần với điều kiện lạm phát tiếp tục được kiềm chế.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã áp dụng lãi suất cho vay VND với đối tượng ưu tiên theo chính sách khách hàng của mình từ 15-16%/năm, trong đó dành cho hộ sản xuất ở địa bàn nông thôn là 15,5%/năm và cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là 15,9%/năm.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng lập tức áp dụng lãi suất cho vay VND  tối đa 16%/năm, riêng lãi suất cho vay ngắn hạn với các đối tượng ưu tiên (xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu) ở mức 15-16%/năm, lãi suất trung và dài hạn tối đa là 16,9%/năm và lãi suất cho vay ngắn hạn bằng USD 5,5-6,5%/năm.

Ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam Vietcombank giảm lãi suất cho vay tiền đồng xuống 16%/năm (giảm 2,5%/năm), lãi suất ưu đãi với khách hàng thân thiết và doanh nghiệp xuất nhập khẩu là 15,2%/năm. Lãi suất cho vay USD giảm xuống còn 7%/năm và lãi suất ưu đãi là 6,65%/năm. Ngân hàng này cũng hạ lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn dưới 3 tháng còn 12%/năm, từ 3-12 tháng xuống 14%/năm và lãi suất huy động USD giảm 0,5%/năm.

Các ngân hàng thương mại cổ phần như LienViet Bank, Sacombank cũng nhanh chóng giảm lãi suất cho vay dao động quanh mức 15-16%/năm.

Theo Tổng Giám đốc LienVietBank Nguyễn Đức Hưởng, lần giảm lãi suất này của các ngân hàng đi kèm với sự thay đổi đặc biệt về kế hoạch cho vay. Nếu như trước đây, lãi suất cho vay ưu đãi chỉ được áp dụng với khách hàng có nguồn tiền gửi thường xuyên, khách hàng hoạt động trong các lĩnh xuất khẩu, thu mua lương thực, các tập đoàn lớn hay doanh nghiệp vừa và nhỏ thì thì đến nay đã mở rộng ra cả tất cả các đối tượng khách hàng có dự án hiệu quả.

Một số ngân hàng thậm chí còn "mạnh tay" mở lại tín dụng đối với cho vay tiêu dùng và bất động sản. "Khi kích được cầu bất động sản thì giá cả nhiều mặt hàng liên quan như sắt thép, xi măng... cũng sẽ hồi phục. Điều này chắc chắn sẽ gián tiếp thúc đẩy được thị trường xuất khẩu và kích cầu tiêu dùng," ông Hưởng dự báo.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc hạ lãi suất cơ bản và tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần này có ý nghĩa rất lớn, một mặt giúp các doanh nghiệp hấp thụ vốn ngân hàng tốt hơn, mặt khác giúp các ngân hàng thương mại tăng cường vốn khả dụng nhiều hơn, đặc biệt là vốn ngoại tệ (riêng dự trữ bắt buộc ngoại tệ giảm tới 2% so với mức cũ). Hơn nữa, đây chính là một tín hiệu kích thích tăng trưởng sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và phòng trừ khả năng giảm phát có thể xảy ra.

Chính sách tiền tệ linh hoạt

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, việc điều chỉnh lãi suất cơ bản lần này, nếu nói là Ngân hàng trung ương đã bắt đầu "nới lỏng" chính sách tiền tệ là không đúng. "Các động thái thái này của chúng tôi chính là một phần của sự linh hoạt chính sách tiền tệ, mà chính sách thì không thể tách rời quy luật thị trường. Tức là, chính sách tiền tệ hay bất kỳ sự điều chỉnh về lãi suất nào cũng phải dựa trên nhu cầu thị trường, chứ không thể duy ý chí được," người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nói.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, Ngân hàng Nhà nước chỉ phát đi tín hiệu còn việc quyết định điều tiết lãi suất kinh doanh như thế nào, đấy là quyền tự chủ của các ngân hàng thương mại, bởi họ cũng là một doanh nghiệp, chứ không phải là "người đi làm chính sách."

Ông cũng nhấn mạnh rằng mức lãi suất này (15%/năm) đối với khả năng chung của các hộ nông dân còn hơi cao nhưng trong điều kiện hiện nay là một sự cố gắng rất lớn của ngân hàng, nhất là khi mặt bằng lãi suất huy động tính chung đến nay của các ngân hàng đã là 15,6%/năm (chưa tính các chi phí khoảng 3% nữa), trong khi Ngân hàng Nhà nước chỉ bù đắp được 0,3% thông qua giảm dự trữ bắt buộc, còn lại các ngân hàng phải tự điều chỉnh và cắt giảm chi phí để bù đắp.

"Nhưng tôi tin là các ngân hàng thương mại sẽ cân đối được các kế hoạch kinh doanh của mình, bởi họ đã có 10 tháng qua để điều chỉnh và vượt qua giai đoạn khó khăn," Thống đốc Nguyễn Văn Giàu chia sẻ.

Nhận định từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cũng cho thấy khả năng các ngân hàng thương mại giảm lãi suất khá cao, bởi các chỉ số kinh tế vĩ mô đều đã được cải thiện đáng kể và lạm phát giảm dần.

Đặc biệt, tình hình vốn khả dụng của toàn hệ thống ngân hàng trong năm 2008 chưa khi nào khả quan như hiện nay, trong khi doanh số cho vay tháng 10 tăng so với tháng 9 nhưng vẫn ở mức thấp. Dù các ngân hàng liên tục giảm lãi suất cho vay nhưng các khách hàng vẫn chưa chấp nhận và có tâm lý chờ lãi suất giảm tiếp mới đi vay.

Trước ý kiến lo ngại việc mở rộng tín dụng sẽ đồng nghĩa với việc nợ xấu có nhiều khả năng sẽ tăng lên, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định việc hạ lãi suất sẽ tạo điều kiện cho vay doanh nghiệp nhiều hơn nhưng không có nghĩa là nới lỏng điều kiện cho vay mà chỉ tập trung cho vay đối với các doanh nghiệp có dự án tốt, có thị trường và có khách hàng.

Theo báo cáo vừa gửi về của các ngân hàng thương mại, đã có 90% số hồ sơ vay tiền của doanh nghiệp được giải quyết. "10% hồ sơ còn lại chưa được giải quyết đều là do các dự án chưa mang tính khả thi cao, chứ không hề do vướng mắc về cơ chế, ông Giàu khẳng định.

Tất nhiên, để phát triển sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không phải chỉ vào lãi suất hay nguồn vốn tín dụng. Việc các ngân hàng hạ lãi suất không chỉ thêm "cánh cửa" cho doanh nghiệp mà cũng chính là cách để ngân hàng gỡ khó cho chính mình./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục