Những sơn nữ giữ hồn cồng chiêng Tây Nguyên

Ngày làm nương rẫy, tối về tập cồng chiêng, những sơn nữ M’nông ở Đam Rông, Lâm Đồng đang từng ngày giữ hồn cồng chiêng Tây Nguyên.
Ban ngày đi làm trên nương rẫy, tối về tập đánh cồng chiêng để mỗi khi buôn làng vào hội họ lại đem tiếng chiêng ra góp vui. Họ chính là những người phụ nữ M’nông ở các buôn làng thuộc 1 trong 62 huyện nghèo nhất nước - huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.

Đội chiêng nữ của buôn làng

Đam Rông mùa này nắng gắt, những cơn mưa buổi chiều chỉ đủ xoa dịu sức nóng của thiên nhiên khắc nghiệt. Con đường bêtông nối từ Quốc lộ 27 dẫn vào vùng Đầm Ròn (gồm 3 xã Đạ Tông, Đạ Long, Đạ M’rông) quanh co dưới những chân núi. Trên các sườn đồi, những cánh rừng keo lai của dự án 30a, rẫy khoai mỳ (sắn), càphê, lúa… đang cố vươn mình trên mảnh đất bạc màu. Ở phía xa, thấp thoáng bóng dáng của người dân bản địa đang cặm cụi làm rẫy với niềm hy vọng năm nay sẽ có thêm một vụ mùa bội thu.

Chập tối, phòng khách của nhà già làng K’Sá Ha Tông (80 tuổi, thôn Liêng Trang 2, xã Đạ Tông) đông người hơn mọi hôm. Tối nay là buổi tập đánh chiêng của đội chiêng nữ duy nhất trong xã Đạ Tông này.

Đội chiêng hiện có 12 người toàn là phụ nữ, người trẻ nhất cũng đã 40 tuổi. Bà Kră Jan K’Hoa (55 tuổi, Đội trưởng đội chiêng) nói: “Đội chiêng này có từ lâu rồi không nhớ rõ, chỉ nhớ là có cùng với lúc người ta về mở con đường lớn vào xã kia kìa.”

Bà K’Hoa còn nhìn sang phía già làng Ha Tông rồi bảo: “Phải học thôi, để sau này ông già này mất đi còn có người mà đánh chiêng nữa !”

Nhớ ngày đầu đi học đánh chiêng thật biết bao gian khó. Mới đầu chưa quen, họ đánh sưng cả tay, phải lấy khăn quấn ở ngoài bàn tay cho bớt đau. Qua nhiều tháng, cứ sáng đi làm, tối lại về tập trung học tại nhà già làng rồi mãi mới thuộc được vài điệu chiêng. Đến khi thành thạo, cả đội lại đem chiêng đi từng nhà trong thôn đánh thử, rất vui.

Bà K’Hoa nhớ lại: “Ơ học chiêng khó lắm, tôi học suốt trong 2 năm mới đánh thành thạo được vài điệu đấy.”

Thầy dạy chiêng – ông Cill Ha Bông (55 tuổi, thôn Liêng Trang 2, Đạ Tông) cho biết, hiện nay đội chiêng nữ có thể đánh thành thạo các điệu chiêng: đón khách, sum họp, vui tươi, thi tài… Mỗi khi buôn làng vào hội, đón lễ tết, hay mừng lúa mới lại mời đội chiêng nữ đến góp vui.

Ngoài ra khi ở huyện, ở tỉnh tổ chức giao lưu cồng chiêng thì đội chiêng nữ này cũng được mời đi tham gia biểu diễn.

Ngoài 6 người đánh chiêng chính, đội còn có thêm 6 người khác “dự bị.” Buổi tập hôm nay chủ yếu gồm những người dự bị mới học đánh chiêng chưa lâu.

Chị K’ră Jan K’Jớt - người trẻ nhất đội và chuyên đánh chiêng mẹ (đóng vai trò quan trọng nhất của đội chiêng) cười nói: “Bốn năm trước mấy người trong buôn rủ mình đi học đánh chiêng, sau một tháng mình đã biết đánh và giờ đã đánh thành thạo được 4 điệu chiêng rồi.”

“Truyền lửa” cho lớp trẻ

Cách nhà già làng Ha Tông vài ngọn núi, cũng trong vùng Đầm Ròn này còn có một đội chiêng nữ mới tinh. Họ là những cô gái M’nông còn rất trẻ nhưng lại đam mê những thanh âm đầy mê hoặc của cồng chiêng. Bởi vậy, khi Trung tâm văn hóa huyện Đam Rông thông báo mở lớp truyền dạy cồng chiêng ở xã Đạ M’Rông, họ liền hăng hái đăng ký tham gia.

Ông Liêng Hot Ha Phương, cán bộ văn hóa xã Đạ M’Rông, nhớ lại lớp truyền dạy cồng chiêng đầu tiên này được tổ chức vào giữa năm 2010, do các nghệ nhân nổi tiếng trong vùng truyền dạy như ông Ha Tưng, Ha Nganh, Ha Mang, Ha Phơm...

Khóa học có 24 người (12 nam và 12 nữ) là thanh niên tại địa phương tham gia. Trong thời gian ngắn, các nghệ nhân đã truyền dạy cho lớp trẻ 4 điệu chiêng chính là châu chấu, đom đóm, mừng lúa mới và đâm trâu.

Ông Ha Phương chia sẻ: “Nhờ vậy cũng góp phần giữ gìn được tài sản quý giá của buôn làng, không để cồng chiêng bị mai một.”

Cô gái Pơ Ting K’Loan (27 tuổi, Đội trưởng đội chiêng nữ trẻ của xã Đạ M’Rông) cho biết, đội của cô mới được thành lập sau khi học xong lớp truyền dạy trên xã. Ngoài cô thì còn có thêm 5 người nữa là K’Bố, K’Thuyên, K’Quan, K’Ben và K’Siên. Hầu hết họ đều ở độ tuổi từ 21 đến 27 và đều ở thôn Liêng K’Rắc 1.

“Trong các buổi lễ của buôn làng, mình thấy cha và mọi người đánh chiêng nên thích lắm. Khi trên xã mở lớp dạy đánh chiêng mình đăng ký tham gia và sau 3 tháng đã biết đánh chiêng rồi.” – K’Loan tâm sự.

Nhóm của K’Loan mới được thành lập cách đây chưa lâu và hiện nay vẫn tự tập đánh chiêng đều đặn vào các buổi tối sau giờ đi rẫy. Mỗi khi buôn làng vào hội, họ lại cùng các đội chiêng khác đến góp vui.

Bên ánh lửa hồng và chóe rượu cần ngất ngây men rừng, tiếng chiêng của họ âm vang cả núi đồi. Cứ như thế, thanh âm cồng chiêng mãi ngân vang và hẳn sẽ không mất đi như lời tâm sự của “sơn nữ” K’Loan: “Mình không thích nhạc trẻ đâu! Mình sẽ tiếp tục học đánh chiêng để giữ cái bản sắc của dân tộc và có thể tham gia đánh chiêng ở những lễ hội lớn như cha và mọi người”./.

Nguyễn Dũng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục