Đại dương ấm lên ảnh hưởng thói quen của sinh vật

Các sinh vật biển đang di chuyển nơi cư trú đến vùng mát hơn và quá trình này diễn ra nhanh hơn nhiều so với các sinh vật trên cạn.
Theo báo cáo nghiên cứu mới đây của Trung tâm nghiên cứu quốc gia Australia (CSIRO), hiện tượng các đại dương ấm dần lên đang ảnh hưởng đến các thói quen sinh sản và nơi cư trú của các động vật dưới biển, gây ra việc sắp xếp trật tự dưới đáy biển khi các sinh vật cố thích nghi với sự thay đổi khí hậu.

Nhóm nghiên cứu quốc tế gồm 19 chuyên gia đến từ Australia, Mỹ, Canada, Anh, châu Âu và Nam Phi, cho biết họ đã ghi nhận được hơn 1.700 sự thay đổi về thói quen sinh sản và nơi cư trú của các động vật biển.

Các sinh vật biển đang di chuyển nơi cư trú đến các vùng mát hơn và quá trình này diễn ra nhanh hơn nhiều so với các sinh vật trên cạn.

Tiến sỹ Elvira Poloczanska thuộc Đại học Queensland (Australia) lý giải mặc dù đại dương hấp thụ đến 80% lượng nhiệt gia tăng của khí hậu toàn cầu nhưng nhiệt độ trên bề mặt đại dương lại thấp hơn 3 lần so với nhiệt độ trên đất liền.

Nhiệt độ mùa Đông và mùa Xuân ở cả đại dương và đất liền đều đang tăng lên nhanh chóng. Điều này có thể đẩy nhanh các hiện tượng như sự bắt đầu của mùa sinh trưởng và thời điểm sinh sản. Thêm vào đó, lượng carbon dioxide do con người thải ra được đại dương hấp thụ, đang thay đổi đặc tính hóa học của muối carbonate trong nước biển.

Mặc dù nghiên cứu chỉ báo cáo về các ảnh hưởng toàn cầu nhưng vẫn có những bằng chứng rõ ràng về sự thay đổi ở môi trường biển ở Australia.

Tiến sỹ Poloczanska cho biết các sinh vật nhiệt đới và cận nhiệt đới ở vùng Đông Nam của Australia như cá, các động vật thân mềm và các sinh vật phù du đang di chuyển xa hơn đến phía Nam qua biển Tasman. Trong khi đó, các loài chim biển đang phân bố về phía Nam của Ấn Độ Dương và các loại tảo biển ở khu vực nước lạnh từ các vùng phía Bắc của thành phố Perth đang dần biến mất./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục