Tín dụng ưu đãi: Vẫn còn có sai phạm, nợ xấu cao

Kết quả mới được Kiểm toán Nhà nước công bố cho thấy, việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước vẫn còn không ít sai sót, trong đó nổi bật là cho vay sai đối tượng, thiếu cơ chế giám sát các tổ chức... Mặt khác, đơn vị kiểm toán cho rằng, ngoài tín dụng ưu đãi, việc Ngân hàng Nhà nước áp dụng lãi suất tái cấp vốn thấp hơn nhiều lãi suất huy động trên thị trường khiến nếu các tổ chức tín dụng lợi dụng được nguồn vốn giá rẻ ưu đãi này, sẽ tìm cách trì hoãn khoản nợ, gây gia tăng dư nợ vay tái cấp vốn của các ngân hàng thương mại.
Kết quả mới được Kiểm toán Nhà nước công bố cho thấy, việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước vẫn còn không ít sai sót, trong đó cho vay sai đối tượng, thiếu cơ chế giám sát các tổ chức được ủy thác cho vay là một vài ví dụ điển hình.

Cụ thể, trong Báo cáo kiểm toán niên độ ngân sách 2010, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra các sai phạm của Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc thực hiện cho vay 18 chương trình tín dụng thuộc chính sách tín dụng ưu đãi nhằm xóa đói giảm nghèo. Trong đó, Ngân hàng chính sách xã hội  đã có nhiều dự án cho vay sai đối tượng cùng với việc thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát những tổ chức xã hội được ủy thác cho vay.

Chính vì thế, tình hình nợ xấu của riêng chương trình tín dụng ưu đãi tính đến 31/12/2010 chiếm 1,2% dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,98% dư nợ và nợ khoanh chiếm 0,22% tổng dư nợ.

Mới đây nhất, trong báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm 2012, Ngân hàng chính sách xã hội cũng thừa nhận do một bộ phận khách hàng thiếu ý thức trả nợ cùng với công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra, kiểm soát chất lượng chưa cao nên tình hình nợ quá hạn vẫn xuất hiện, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Liên quan tới tín dụng ưu đãi, theo Kiểm toán Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) cũng ở mức cao, khả năng thu hồi nợ khó khăn trong khi nợ đến hạn lại ngày một gia tăng. Đưa ra con số cụ thể, Kiểm toán Nhà nước tính toán, nợ xấu cho vay đầu tư phát triển của Ngân hàng này là 12,05%, nợ cho vay xuất khẩu là 13,42%...

Mặt khác, đơn vị kiểm toán cho rằng, ngoài tín dụng ưu đãi, việc Ngân hàng Nhà nước áp dụng lãi suất tái cấp vốn thấp hơn nhiều lãi suất huy động trên thị trường khiến nếu các tổ chức tín dụng lợi dụng được nguồn vốn giá rẻ ưu đãi này, sẽ tìm cách trì hoãn khoản nợ, gây gia tăng dư nợ vay tái cấp vốn của các ngân hàng thương mại.

Đặc biệt, nhiều khoản vay tái cấp vốn năm 2010 đã phải gia hạn với tổng số nợ gia hạn lên tới hơn 68.000 tỷ đồng, chiếm 58% tổng doanh số cho vay.

Thậm chí, theo Kiểm toán Nhà nước, ngay việc gia hạn nợ cũng không đúng quy định. Ví dụ, có khoản vay 90 ngày được gia hạn đến lần thứ 4, làm thời gian vay kéo dài 389 ngày trong khi quy định thời gian chỉ là 1 năm./.

Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục