Phục hồi kinh tế chậm

Đà phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới chậm và yếu

Đà hồi phục của kinh tế toàn cầu diễn ra rất chậm và nhìn chung còn yếu là đánh giá của Liên hợp quốc trong báo cáo giữa năm.
Lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc trong tháng Năm giảm lần đầu tiên trong bảy tháng qua, trong khi hoạt động chế tạo của Mỹ tăng với nhịp độ chậm nhất kể từ tháng 10/2012 là những dấu hiệu mới nhất cho thấy kinh tế toàn cầu sẽ còn phải “loay hoay” một thời gian nữa trước khi lấy lại đà phục hồi tăng trưởng.

Đà hồi phục của kinh tế toàn cầu sẽ diễn ra rất chậm và nhìn chung còn yếu - đó là đánh giá mà Liên hợp quốc vừa đưa ra trong báo cáo giữa năm về Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới năm 2013 (WESP).

Báo cáo WESP - do Phòng các Vấn đề Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (DESA) vừa công bố - nhìn nhận rằng sau giai đoạn suy giảm kéo dài trong hai năm, kinh tế toàn cầu sẽ lấy lại đà tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm 2013 và trong năm 2014, nhờ các chính sách tiền tệ khá mạnh tay ở các nền kinh tế phát triển và đang phát triển và nhờ “những cải thiện có thể đo đếm được” như kinh tế Mỹ lấy lại đà tăng trưởng và Nhật Bản tăng 3,5% trong quý I/2013.

DESA dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ đạt khoảng 2,3% trong năm 2013, xấp xỉ mức của năm 2012, và dần mạnh lên 3,1% trong năm 2014. Tuy nhiên, mức tăng trưởng trên đã được điều chỉnh xuống đôi chút nếu so với mức dự báo tăng trưởng lần lượt 2,4% và 3,2% trong báo cáo công bố hồi tháng 12/2012.

Nhìn chung, các dự báo tăng trưởng đối với các nước và khu vực đều bị điều chỉnh xuống trước những mối nghi ngại về các “chiến thuật” mà các nước sử dụng để hồi phục tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo cho rằng bất chấp các điều kiện tài chính toàn cầu cải thiện và những rủi ro ngắn hạn giảm bớt, kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng với nhịp độ rất nhẹ, nhưng nhìn chung vẫn dưới mức tiềm năng. Dù đã rất nỗ lực song mức tăng trưởng việc làm, đặc biệt ở các nước phát triển, vẫn yếu.

Tạo việc làm - vấn đề sống còn để thúc đẩy kinh tế phục hồi

Pingfan Hong, Trưởng bộ phận giám sát kinh tế toàn cầu thuộc DESA, cho rằng đây vẫn là một thách thức chủ chốt về chính sách đối với nhiều nước, trong bối cảnh kinh tế giới tiếp tục tăng trưởng dưới mức tiềm năng.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã dịu xuống nhưng nhìn chung vẫn ở mức cao trong lịch sử. Tuy vậy, thị trường lao động Mỹ có chiều hướng cải thiện và tỷ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này dự báo trung bình ở mức 7% trong năm 2014.

Trong khi đó, thất nghiệp vẫn là vấn đề nan giải đối với Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Với tỷ lệ thất nghiệp tại Hy Lạp và Tây Ban Nha trên 25%, tỷ lệ thất nghiệp trung bình của khu vực này trong quý I/2013 vẫn ở mức cao 12,1% và dự báo sẽ tăng lên 12,8% trong năm 2014.

Tại hầu hết các nước đang phát triển, thị trường lao động không bị ảnh hưởng quá lớn bởi nhu cầu yếu. Tại nhiều nước ở Đông Á và Nam Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống dưới mức trước khi diễn ra khủng hoảng tài chính.

Ngược lại, việc làm vẫn là vấn đề cơ bản tại nhiều nước châu Phi, bất chấp kinh tế tăng trưởng tương đối mạnh trong những năm gần đây.

Ưu tiên hàng đầu cho các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới vào thời điểm hiện nay có lẽ là hỗ trợ một sự phục hồi mạnh mẽ và cân bằng trên toàn cầu, trong đó tập trung vào việc xúc tiến tạo việc làm.

Những nguy cơ “rình rập” các nền kinh tế phát triển chủ chốt

Theo DESA, những rủi ro trong ngắn hạn liên quan mật thiết tới tình hình Eurozone, những điều chỉnh về tài chính ở Mỹ và tình hình tăng trưởng chậm lại ở các nước đang phát triển lớn tuy giảm nhưng chưa “tan biến”.

Đồng thời, những nguy cơ mới trong trung hạn đang nổi lên, trong đó phải kể tới những ảnh hưởng bất lợi từ các biện pháp tiền tệ khác thường của các nước phát triển lên sự ổn định tài chính trên toàn cầu. Điều đáng nói là những nguy cơ này một lần nữa đe dọa làm chệch đà hồi phục của kinh tế thế giới.

Liệu châu Âu đã có thể “nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm?” Câu trả lời vào thời điểm này có lẽ là chưa, bởi một sự phục hồi đáng kể hiện nằm ngoài tầm với.

Mặc dù nguy cơ tan rã của Eurozone trong ngắn hạn đã giảm đi đáng kể nhưng tình hình kinh tế vẫn nguy nan. Các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, hoạt động cho vay yếu kém và bất ổn tiếp diễn đang kéo lùi kinh tế khu vực này.

[Liên hợp quốc: Kinh tế thế giới tăng trưởng vừa phải]

Chỉ số quản lý sức mua (PMI) nhích lên 47,5 trong tháng 5/2013 nhưng vẫn ở dưới 50 (ngưỡng phân định ranh giới tăng trưởng và giảm) trong tháng thứ 16 liên tiếp, cho thấy kinh tế khu vực này sẽ tiếp tục giảm trong quý II/2013.

Báo cáo của Liên hợp quốc dự báo Eurozone sẽ giảm 0,4% trong năm 2013 trước khi tăng nhẹ 1,1% trong năm 2014. DESA nhận định khủng hoảng nợ Eurozone vẫn là nhân tố rủi ro chủ chốt đối với kinh tế thế giới, mặc dù các chính sách gần đây của khu vực này góp phần làm giảm bớt một số rủi ro trong ngắn hạn.

Tại Mỹ, việc tránh được vách đá tài chính, tiếp tục áp dụng chính sách tiền tệ lỏng và lĩnh vực nhà đất dần phục hồi đã giúp cải thiện triển vọng tăng trưởng kinh tế. Mặc dù vậy, kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách tự động và những bất ổn liên quan đến các vấn đề ngân sách sẽ làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng và các doanh nghiệp, qua đó gây sức ép lên nhu cầu trong nước.

Nhu cầu trên thị trường nước ngoài giảm và chính sách thắt chặt hầu bao ở trong nước đã đẩy PMI của lĩnh vực chế tạo Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong bảy tháng qua là 51,9 trong tháng 5/2013, so với 52,1 tháng trước đó, vì thế nó chỉ mang lại cú hích tăng trưởng nhẹ cho kinh tế Mỹ trong quý II/2013.

Báo cáo của DESA nhận định kinh tế Mỹ sẽ vẫn đối mặt với những bất ổn đáng kể nếu Quốc hội nước này thất bại trong vấn đề nâng trần nợ công và cắt giảm chi tiêu. Tăng trưởng kinh tế Mỹ dự báo sẽ chậm lại mức 1,9% trong năm 2013 trước khi lấy lại đà với mức tăng 2,6% vào năm 2014.

Các nhà hoạch định chính sách đã tiến hành các biện pháp khá quyết liệt như mua tài sản quy mô lớn và nới lỏng chính sách tiền tệ, nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi giai đoạn giảm phát kéo dài. Những biện pháp này có thể giúp thay đổi tình hình kinh tế yếu kém trong ngắn hạn, nhưng tác động của chúng vẫn chưa có gì chắc chắn, hơn nữa chúng cũng có thể đi kèm những nguy cơ và bất ổn nhất định, một trong số này là sự xuống giá mạnh của đồng yên trong những tháng gần đây.

Trong trung hạn, những biện pháp nói trên có thể làm dấy lên những bất ổn liên quan đến vấn đề nợ công. Đất nước “Mặt Trời mọc” dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 1,3% năm 2013 và 1,6% năm 2014.

Tình trạng giảm tốc của Trung Quốc và các nước BRICS

Nhiều nền kinh tế lớn như Braxin, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga đều không tránh khỏi giai đoạn giảm tốc tăng trưởng kinh tế trong hai năm trở lại đây. Ingo Pitterle, người đứng đầu nhóm thảo ra báo cáo WESP, cho rằng tình trạng giảm tốc tăng trưởng kinh tế ở các nước thuộc nhóm các nước mới nổi phát triển nhanh (BRICS) chủ yếu do sự kết hợp giữa tình hình yếu kém ở bên ngoài và những cản trở từ bên trong.

Kinh tế Trung Quốc đang chuyển sang quỹ đạo tăng trưởng thấp hơn, trong khi các nên kinh tế có thiên hướng xuất khẩu ở châu Á phục hồi nhẹ. Chỉ số PMI vừa công bố cũng cho thấy lĩnh vực chế tạo khổng lồ của Trung Quốc trong tháng 5/2013 giảm lần đầu tiên trong bảy tháng trở lại đây.

Mặc dù kinh tế Trung Quốc dự báo tăng trưởng 7,8% năm 2013 và 7,7% năm 2014, nhưng cũng không loại trừ khả năng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bất ngờ tăng chậm lại mức khoảng 5% trước những nguy cơ như giá bất động sản tăng cao, các vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng và sự thiếu minh bạch về nợ của các chính quyền địa phương.

Báo cáo của DESA lưu ý rằng nếu kinh tế Trung Quốc thực sự tăng trưởng chậm lại mức nêu trên, nó sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế trên toàn thế giới, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển vốn trông cậy vào xuất khẩu hàng hóa./.

Như Mai (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục