Bến phà Xuân Sơn trước nguy cơ bị lãng quên

Với những cựu chiến binh Trường Sơn, cái tên "Bến phà Xuân Sơn" luôn gợi lên những niềm tự hào bởi chính nơi đây, những con người Việt Nam với lòng quả cảm đã đối đầu và chiến thắng sức mạnh bom đạn Mỹ trong cuộc chiến giữ vững mạch máu giao thông trên đường Trường Sơn huyền thoại.

Với những cựu chiến binh Trường Sơn, cái tên "Bến phà Xuân Sơn" luôn gợi lên những niềm tự hào bởi chính nơi đây, những con người Việt Nam với lòng quả cảm đã đối đầu và chiến thắng sức mạnh bom đạn Mỹ trong cuộc chiến giữ vững mạch máu giao thông trên đường Trường Sơn huyền thoại.

Đôi bờ bến phà còn nguyên dấu tích của chiến trường xưa. Dưới lòng sông Son vẫn còn đó phần xương thịt của những “anh hùng áo vải” hơn 40 năm về trước. Nhưng, tất cả đang có nguy cơ chìm vào quên lãng.

Ký ức hào hùng...

Bến sông Son, một ngày đầu hè 2009. Nườm nượp du khách bốn phương đổ về đây háo hức đợi chờ một chuyến du ngoạn, khám phá động Phong Nha, di sản thiên nhiên thế giới.

Phương Thảo, cô gái 22 tuổi đến từ Hà Nội, hồn nhiên nói: “Sông Son, cái tên thật đẹp. Động Phong Nha nghe nói cũng rất tuyệt vời. Còn bến phà cũ ư? Chỗ đấy có cái gì ạ?”.

Chẳng thể trách Phương Thảo bởi ngoài tấm biển xi măng hoen ố màu thời gian nằm nép mình một góc vắng giữa bến sông rộng, ghi mấy dòng vắn tắt: “… Nơi đây là trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ trên tuyến đường Trường Sơn những năm 1966-1972,” bến phà Xuân Sơn xưa có lẽ chỉ còn trong ký ức của những người một thời gắn bó máu thịt với nơi đây.

Ông Võ Thế Chơn, một cựu chiến binh Trường Sơn, người từng được mệnh danh là “Con cá kình sông Son” và đã từng được đồng đội làm lễ truy điệu sống trước khi tự mình lái canô phá bom từ trường trên bến, bồi hồi kể lại: “Năm 1966, Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn quyết định bắc cầu phao và sau này là phà 18 tấn tời cáp qua bến Xuân Sơn, thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, để mọi con đường chi viện từ Bắc đều qua đây rồi theo đường 20 Quyết thắng vào Nam đánh Mỹ.

"Hai đêm đầu, 3.200 lượt xe qua cầu trót lọt. Đến đêm thứ 3, không quân Mỹ phát hiện đường mới, tập chung đánh phá ác liệt. Bom từ trường đặc kín quãng sông Son dài chưa đầy 5km. Đã bao đêm, hàng ngàn chuyến xe vào Nam ra Bắc bị kẹt hai bên bờ vì vướng bom từ trường dưới lòng sông.

"Trang thiết bị kỹ thuật còn thiếu thốn, nhưng cán bộ chiến sĩ C16 Công Binh quyết định phá bom từ trường bằng mọi cách có thể, kể cả phải hy sinh thân mình. Trí tuệ và lòng dũng cảm của những người Việt Nam bé nhỏ đã chiến thắng kỹ thuật hiện đại nhất của đế quốc Mỹ. Sau nhiều thử nghiệm, các chiến sĩ C16 đã tìm ra cách táo bạo phá hàng loạt bom từ trường dưới lòng sông bằng cách dùng ca nô sắt tốc độ cao băng qua bãi bom.

"Vậy là ban ngày giặc Mỹ thả bom từ trường, ban đêm, các chiến sĩ công binh trên bến sông Son lao xuồng vào bãi bom, kích nổ hàng trăm quả để rồi rạng sáng hôm sau, hàng đoàn xe an toàn nối đuôi nhau chở hàng ra mặt trận.... Mạch máu Xuân Sơn vì thế mà không bao giờ đứt. Biết bao người đã ngã xuống nơi đây, hiến phần xương máu của mình cho những chuyến xe qua, tiếp sức giải phóng miền Nam".

Nguy cơ "xóa sổ"

Vậy mà giờ đây, khi đến bến Xuân Sơn, những dấu tích của bản hùng ca một thời hầu như đã bị quên lãng. Dẫn chúng tôi qua sông, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Liên, người luôn đau đáu với một thời Trường Sơn xa vắng, nghẹn ngào khi chỉ vào một khe đá bên mép con đường đất mới đắp, nói: “Đây chính là cửa hang trú ẩn của những chiến sĩ công binh trực chiến trên bến song Son ngày trước. Nhờ cái hang nhỏ chứa được khoảng 10 người này mà biết bao bom đạn giặc Mỹ đã không thể khuất phục được những chiến sĩ kiên cường…”.

Rồi ông khoát tay, chỉ ra xa: “Còn ở kia, nơi lưng chừng núi, có một hang đá lớn, là nơi đóng quân của 2 trung đội công binh. Lòng hang rộng, lại có nguồn nước ngọt chảy qua, nên suốt những năm tháng ác liệt của cuộc chiến tranh, đây là nơi trú ẩn và đóng quân yên bình của những người chiến sĩ…”. Giờ đây, nếu muốn thăm lại hang, ta chỉ có thể liều mình treo leo vách đá bởi con đường cũ lên hang đã bị phá hủy hoàn toàn.

Chịu chung số phận với những hang đá chở che bộ đội một thời, con đường bờ Bắc phà Xuân Sơn cũng đang đứng trước nguy cơ bị "xóa sổ" bởi một dự án của tỉnh nhằm kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn. Nền đường cũ với vô vàn vết bom đào, đạn xới sẽ được phủ mới. Cung đường xưa với mặt đường nhỏ men theo triền núi chạy hút về cánh rừng phía Bắc sẽ được nắn thẳng. Nhìn dự án được thi công từng ngày, những người cựu binh phà Xuân Sơn không thể cầm lòng, ngậm ngùi nhớ về một thời xa vắng.

Ngay bên cạnh con đường cũ, tượng đài ghi dấu những năm tháng oai hùng của bến phà Xuân Sơn im lìm nằm giữa bãi ngô xanh mướt. Xung quanh tượng đài, người dân đã dùng rào tre quây lại, với mục đích bảo vệ…ngô. Muốn được tìm hiểu thêm những dòng chữ lưu trên bia đá của tượng đài, chúng tôi chỉ còn cách trèo qua rào tre, lội qua bãi ngô, mới có thể tiếp cận được.

Huyền, cô gái trẻ lái đò trên bến, đã không thể nói gì khi chúng tôi hỏi “Em có biết phà Xuân Sơn là một địa danh lẫy lừng thời chống Mỹ không?” Hay Toàn, cậu bé chăn trâu 10 tuổi, hăng hái dẫn chúng tôi tìm đường lên hang đá lưng chừng núi chỉ để “xin các chú ít tiền. Cháu chẳng biết ngày xưa nơi ấy là gì”.

Mang theo câu hỏi áy náy trong lòng, rằng: “Có rất nhiều khách đến với Xuân Sơn, tại sao Quảng Bình không kết hợp biến nơi đây thành một địa danh du lịch bên cạnh Phong Nha-Kẻ Bàng?” đến Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Quảng Bình. Câu trả lời chung mà chúng tôi nhận được qua những câu chuyện với các cán bộ ở đây là “Kinh phí eo hẹp, khó khăn…”./.

Tùng Lâm (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục