“Chính quyền Mỹ đã tấn công vào tự do báo chí”

Sự kiện Bộ Tư pháp Mỹ tịch thu các tài liệu ghi âm của hãng tin AP là một vụ tấn công chưa từng có tiền lệ vào tự do báo chí.
Sự kiện Bộ Tư pháp Mỹ tịch thu các tài liệu ghi âm của hãng tin AP trong hai tháng đã gây ra phản ứng quyết liệt từ báo giới khi những người chỉ trích nói đây là một vụ tấn công chưa từng có tiền lệ vào tự do báo chí. Lãnh đạo phe Dân chủ ở Thượng viện Harry Reid nói với các phóng viên: “Tôi thấy khó mà bào chữa cho những gì Bộ tư pháp làm… không thể biện minh được”. Trevor Timm, thuộc Quỹ tự do cho báo chí, nói: “Đã đến lúc chấm dứt quan điểm coi tất cả những vụ điều tra và truy tố rò rỉ thông tin này là ảnh hưởng tới tự do báo chí, đó là sự tấn công trực diện vào tự do báo chí”. Các nhà phân tích khác nói chính quyền Obama đã có tiếng không tốt về việc tìm cách ngăn chặn những thông tin mật rò rỉ từ chính quyền.
[Nhà Trắng bao biện vụ thu ghi âm cuộc gọi của hãng AP]
“Tôi ngạc nhiên và lo lắng khi thấy họ mở rộng cuộc thu giữ hồ sơ điện thoại của hãng AP tới mức đó”, David Pozen, chuyên gia về luật hiến pháp và an ninh quốc gia ở Đại học Columbia, nói với AFP. “Đó là sự giải thích cực đoan trong chính sách phát tán các trát tịch thu tài liệu của Bộ Tư pháp”. Trong ngày 15/5, chính phủ Mỹ đã phản pháo với lời giải thích những quan chức chính quyền chỉ hành động để bảo vệ sinh mạng người dân Mỹ. Giữa những chỉ trích dữ dội, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder nói các bản ghi âm điện thoại mà chính quyền thu giữ một cách bí mật từ hãng tin Mỹ AP là một phần trong cuộc điều tra với những rò rỉ thông tin an ninh mật có thể đe dọa tính mạng người dân Mỹ. “Tôi đã làm công tố viên từ năm 1976. Và tôi phải nói rằng vụ này nằm trong số những vụ rò rỉ thông tin nghiêm trọng nhất”, ông Holder nói. “Đó không phải là thổi phồng. Đó thực sự là đặt người dân Mỹ đứng trước rủi ro lớn. Và nỗ lực xác định ai là kẻ chịu trách nhiệm, theo ý tôi, đòi hỏi những hành động mạnh tay”. Cuộc điều tra của Bộ Tư pháp là nhắm vào những rò rỉ thông tin với việc Mỹ phá được một âm mưu khủng bố của chi nhánh Al Qaeda tại Yemen. AP nói câu chuyện của họ tiết lộ những chi tiết về một chiến dịch của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) ngăn chặn một vụ đánh bom máy bay bay sang Mỹ vào năm 2012. Nhà Trắng trong khi đó tìm cách đánh lạc hướng những chỉ trích nói họ tấn công báo chí trong cuộc chiến chống rò rỉ thông tin mật. Người phát ngôn của ông Obama Jay Carney nói Nhà Trắng không liên quan tới quyết định thu giữ hồ sơ điện thoại của AP và Bộ Tư pháp hành động độc lập. “Hoàn toàn không đúng đắn nếu tổng thống tham gia vào một cuộc điều tra hình sự mà, ít nhất là theo báo chí, bao gồm những vụ tiết lộ thông tin mật từ chính quyền”, Carney nói. AP đã phản đối việc thu giữ tài liệu của họ vào ngày thứ Hai trong một lá thư gửi cho Holder, nói “không gì có thể biện minh cho việc thu giữ tài liệu quá đáng như thế”. Đáp lại AP, Thứ trưởng Tư pháp James Cole nói cuộc điều tra với việc “các thông tin mật” bị rò rỉ bắt đầu từ năm ngoái và cảnh báo “những tiết lộ đó có thể đe dọa tính mạng và gây ra những rủi ro rất lớn với an ninh của tất cả người Mỹ”.

Trụ sở của Bộ Tư pháp Mỹ nằm ở Washington (Nguồn: AFP)
Cole nói luật lệ của Bộ Tư pháp cũng đòi hỏi những thủ tục phức tạp trước khi có thể thu giữ các tài liệu ghi âm điện thoại và động thái đó chỉ diễn ra sao khi “tiến hành hơn 550 cuộc thẩm vấn và xem xét hàng chục nghìn tài liệu”. Ông nói trát thu tài liệu “giới hạn trong một khoảng thời gian hợp lý và không tìm kiếm những thông tin cụ thể trong bất kỳ cuộc gọi nào”. Trả lời lá thư của Cole, Giám đốc điều hành AP Gary Pruitt bác bỏ lập luận của Bộ Tư pháp, khẳng định vụ điều tra không hề “được khoanh vùng hẹp” và nói công việc của hơn 100 nhà báo của hãng tin ở nhiều địa điểm khác nhau đã bị ảnh hưởng. “Nhà Trắng từng nói không có đe dọa nào đáng kể với người dân Mỹ vào tháng 5/2012. Câu chuyện của AP nói khác, và chúng tôi cảm thấy đó là thông tin quan trọng và dư luận đáng được biết”, Pruitt nói./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục